TIN DỊCH COVID-19 THẾ GIỚI 22.7: Ghi nhận trên 193 triệu ca mắc
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h00 ngày 22/7, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 193.007.589 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tổng số ca tử vong hiện là 4.146.092 ca. Nước có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới là Mỹ, với các con số lần lượt là 35.147.918 ca và 625.852 ca. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (31.264.684 ca) nhưng Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (545.690 ca).
Châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới 59.781.999 ca, tiếp đến là châu Âu (50.286.037 ca), Bắc Mỹ (41.661.142 ca) và Nam Mỹ với 34.796.041 ca. Tuy nhiên, châu Âu là khu vực có nhiều ca tử vong nhất (1.123.642 ca), tiếp đến là Nam Mỹ (1.069.414 ca), Bắc Mỹ (931.615 ca) và châu Á (858.794 ca). Châu Phi và châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng hơn.
Trong bối cảnh số ca mắc mới đang tiếp tục tăng lên trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận một làn sóng lây nhiễm và tử vong mới đã bắt đầu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh lẽ ra đại dịch COVID-19 có thể đã được kiểm soát nếu vaccine được phân bổ công bằng hơn. Tiến sĩ Ghebreyesus cho rằng vaccine là công cụ mạnh mẽ và thiết yếu trong cuộc chiến chống lại đại dịch nhưng thế giới đang "phung phí" nguồn lực này khi các nước giàu và các công ty chưa phân phối vaccine một cách công bằng và hợp lý. Theo ông Ghebreyesus, hiện mới có 1% dân số ở những quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi một số quốc gia giàu có nhất hiện đang cân nhắc việc tiêm mũi thứ 3 (liều nhắc lại) cho người dân nước mình, trong khi các nhân viên y tế, người cao tuổi và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác ở phần còn lại của thế giới vẫn chưa được tiếp cận vaccine, đặc biệt trong bối cảnh thế giới hiện đang ở "giai đoạn đầu" của làn sóng dịch bệnh mới. Đây không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là sự thất bại về mặt dịch tễ học và kinh tế. Sự bất bình đẳng này càng kéo dài thì đại dịch cũng sẽ chưa thể kết thúc.
Tại châu Á, Lào đã ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, với 256 ca mới. Trước tình hình số ca bệnh là người nhập cảnh tiếp tục tăng cao, tỉnh Savannakhet đã đặt giờ giới nghiêm, phạt nặng trường hợp vi phạm quy định phòng dịch. Trong khi đó, nước láng giềng Campuchia vẫn đang nỗ lực ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới không ngừng tăng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này vượt 70.000 ca trong ngày 22/7. Tại Malaysia, tỷ lệ lây nhiễm trên tổng số xét nghiệm đạt mức cao kỷ lục, lần đầu vượt mốc 12%. Mốc cao nhất trước đó được ghi nhận vào ngày 19/7 với 10,74%, tiếp sau là 9,93% trong ngày 20/7 và 9,57% của ngày 11/7. Malaysia ghi nhận 199 ca tử vong vì COVID-19, cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Tới nay, Malaysia đã có tổng cộng 7.440 ca tử vong, chiếm 0,78% trong tổng số 951.884 ca bệnh.
Ngày 22/7, WHO hối thúc Indonesia mở rộng phạm vi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, vài ngày sau khi tổng thống nước này thông báo ý định nới lỏng các biện pháp phòng dịch. WHO đưa ra khuyến cáo trên căn cứ vào đánh giá tình hình dịch bệnh thực tế tại Indonesia, nơi đã trở thành một trong những điểm nóng dịch trên thế giới trong vài tuần qua, với số ca nhiễm mới tăng gấp 5 lần trong 5 tuần. Trong tuần này, số ca tử vong ghi nhận hằng ngày đã vượt 1.300 ca, đưa nước này vào danh sách những nước có số ca tử vong hằng ngày cao nhất thế giới. WHO khẳng định ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp y tế phòng dịch cộng đồng và hạn chế xã hội, Indonesia cần có hành động khẩn cấp để ứng phó với tình trạng lây nhiễm gia tăng mạnh hiện nay.
Trong diễn biến mới nhất, chính quyền thủ đô Jakarta đang tiến hành sửa đổi Quy định khu vực (Perda) số 2/2020 về ứng phó với đại dịch theo hướng truy tố hình sự đối với những người vi phạm các quy định y tế phòng chống dịch. Các mức hình phạt đối với những người vi phạm sẽ được thực hiện theo Bộ luật Hình sự. Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập một ủy ban nghiên cứu về việc sử dụng chiết xuất từ cây xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ. Ủy ban này, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đứng đầu, sẽ điều phối các nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của việc chiết xuất từ cây xuyên tâm liên trên bệnh nhân COVID-19, cũng như soạn thảo một kế hoạch chiến lược để quảng bá y học cổ truyền Thái Lan nói chung.
Tại Nhật Bản, lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 đang đến gần nhưng tâm lý lo ngại về sự lây lan dịch bệnh COVID-19 đang bao trùm khi thủ đô Tokyo ghi nhận tới 1.832 ca mắc mới, lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày vượt quá 1.800 ca kể từ ngày 16/1. Đáng chú ý là sự lây lan nhanh của biến thể Delta với 681 ca, gấp đôi so với mức 317 ca được ghi nhận từ ngày 1/7 - 20/7. Giới chuyên gia y tế Nhật Bản cảnh báo con số mắc mới còn tăng hơn nữa vào tuần tới khi Nhật Bản bước vào kỳ nghỉ dài 4 ngày và mật độ người dân tại Tokyo gia tăng cùng với các hoạt động liên quan đến Olympic. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang ở giai đoạn nắng nóng gay gắt với nhiệt độ trung bình từ 34-36 độ, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca đột quỵ vì nắng nóng, nhất là người cao tuổi.
Tại châu Âu, Nga hiện là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất châu lục khi số ca nhiễm đã vượt quá 6 triệu ca, trong đó có 151.501 ca tử vong. Pháp đứng thứ hai cũng đã ghi nhận hơn 5,9 triệu ca nhiễm và Anh đứng thứ ba với hơn 5,5 triệu ca. Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng cao có thể dẫn tới hỗn loạn sau khi chính phủ đưa ra quyết định gây tranh cãi là nới lỏng các quy định phòng dịch từ đầu tuần này. Các siêu thị và nhà cung ứng tại Anh ngày 22/7 cảnh báo nguy cơ thiếu hàng hóa do nhân viên các công ty cung ứng và vận tải phải tự cách ly. Báo chí Anh ngày 22/7 đăng tải các hình ảnh siêu thị sạch bóng hàng hóa trên kệ, do nhân viên các kho hàng và tại các chuỗi dây chuyền cung ứng không thể đi làm, ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ. Một số cửa hàng thậm chí đã phải đóng cửa. Người quản lý chính sách tại Hiệp hội Vận tải đường dài (RHA), ông Rod McKenzie cho biết Anh đã phải đối mặt với tình trạng thiếu tài xế xe tải do Brexit và giờ thêm các vấn đề cách ly "có thể gây ra hỗn loạn".
Tại Mỹ, Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng cho biết hơn 4 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Mỹ lại bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trở lại trong tháng 7. Chỉ trong một tuần (tính đến hết ngày 15/7), đã có hơn 23.500 ca nhiễm là trẻ em. Tính tổng thể, trẻ em chiếm 14,2% tổng số ca mắc COVID-19 trong cả nước. Trẻ em cũng chiếm từ 1,3 - 3,6% tổng số ca nhập viện và 0 - 0,26% tổng số ca tử vong do COVID-19. Trong khi đó, theo một báo cáo của hãng tin CNN, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ cuối tháng 6 vừa qua. Các chuyên gia cho rằng trẻ em sẽ phải "gánh chịu" dịch bệnh nếu những người Mỹ trưởng thành không tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden cho biết đang có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm chủng, theo đó nước này cân nhắc đưa trẻ dưới 12 tuổi vào diện tiêm vaccine vào trước cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới. Theo quy định mới, những trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine sẽ phải đeo khẩu trang khi tới trường. Quy định này sẽ không áp dụng với những trẻ đã tiêm vaccine.
Tại phiên khai mạc cuộc họp hai ngày ở Athens (Hy Lạp) của WHO với các bộ trưởng y tế từ hàng chục quốc gia, WHO cho biết tác động đến sức khỏe tâm thần của đại dịch COVID-19 sẽ "lâu dài và sâu rộng". Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia và nhà lãnh đạo đang kêu gọi hành động nhằm giải quyết tình trạng nhiều người trở nên lo lắng, bị kích động và trầm cảm có liên quan đến dịch COVID-19. Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Mọi người bị ảnh hưởng theo cách này hay cách khác. Cảm xúc lo lắng bị nhiễm bệnh, tác động tâm lý của các biện pháp phong tỏa và cách ly đang gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần, bên cạnh sự trầm cảm liên quan đến thất nghiệp, vấn đề tài chính và liên kết xã hội". WHO kêu gọi củng cố các dịch vụ sức khỏe tâm thần nói chung và cải thiện khả năng tiếp cận với chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua công nghệ. WHO cũng kêu gọi có các dịch vụ hỗ trợ tâm lý tốt hơn ở các trường phổ thông và đại học, các công sở và những người đang ở tuyết đầu chống dịch.
Nguồn: Bích Liên (TTXVN) - Ảnh bìa THX/TTXVN: Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tangerang, Indonesia, ngày 22/7/2021.
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *