TIN THẾ GIỚI: LẠI CHUYỆN „ÔNG BÁC“ DỄ NỔI ĐÓA

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
11/06/2018 | 17:28
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
TIN THẾ GIỚI: LẠI CHUYỆN „ÔNG BÁC“ DỄ NỔI ĐÓA

Đúng như dự báo, Hội nghị của 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa qua ở Quebec, Canada đã thất bại thảm hại chỉ vì „ông bác“ dễ xúc động mà dư luận Đức gọi là „dünnhäutig“ (da mỏng hay nóng mặt !) và có nguy cơ sớm muộn cũng sẽ trở thành G6.

Tính khí thất thường của bác thì hơn năm qua cả thế giới đều biết và quả thật bác như „chú voi trong cửa hàng đồ sứ“, xô đổ biết bao đồ sứ quý báu mà thế giới đã mất nhiều thập kỷ mới đạt được, từ Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân với I-ran, Giải pháp hòa bình cho Trung Đông, Hiệp định thương mại tự do toàn cầu TPP, khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế trong WTO đến những cơ chế như G20, G7.

Còn đối với những đồng minh lâu đời và quan trọng đối với Mỹ ở bên bờ Đại Tây dương như NATO, EU bác vốn coi chẳng ra gì. Với Đức, Pháp hay cả Anh, Nhật bản hay Canada, những đối tác hàng đầu cả về an ninh, chính trị lẫn kinh tế của Mỹ, những nước vốn hơn bẩy thập kỷ qua luôn coi Mỹ là „cái ô chiến lược“ của họ, bác cũng phẩy tay.

Nhưng lạ cái là, dù trong lòng có thể bác xem họ chẳng ra gì, nhưng bên ngoài bác luôn đóng vai trò „bị hại“ khi cho rằng EU và nhất là Đức đã phá hoại nền kinh tế Mỹ khi xuất siêu quá lớn sang thị trường Mỹ. Ngoài ra Mỹ cũng là nạn nhân của nạn xuất siêu từ TQ, Nhật bản, Canada và cả... Việt Nam. Bác thương cảm cho nền kinh tế „èo uột“ và nhà sản xuất nhỏ, người nông dân nước Mỹ (?!). Cũng vì thương nhân dân lao động Mỹ nên bác quyết tâm thay đổi dù biết thừa là việc này đi ngược lại mọi chuẩn mực đã được thiết lập từ nhiều năm qua và phá vỡ mọi quan hệ đối ngoại, quan hệ kinh tế của nhiều đời chính phủ Mỹ. Đến mức dư luận Đức đặt câu hỏi „có thật sự một nhà tư bản giầu lên từ đầu cơ bất động sản thời gian qua ở Mỹ, sống trong lâu đài mạ vàng Trump Tower, có thực lòng thương dân đen đến thế“(?). 

Ở Quebec vừa qua bác cho thấy một Tổng thống Mỹ đến muộn về sớm chả đoái hoài đến chủ nhà lẫn khách hay lễ tân ngoại giao tối thiểu. Hôm trước bác ca ngợi thủ tướng nước chủ nhà, hôm sau đã mắng mỏ người ta là lừa lọc, yếu thế. Đã thế bộ sậu của bác còn muốn dành cho thủ tướng nước láng giềng „một chỗ ở địa ngục“ vì đã „thọc dao vào sườn Tổng thống Mỹ“. Vốn quen đánh giá người đẹp qua các cuộc thi „Miss America“ bác nói, theo bảng điểm từ 1 đến 10 thì bác cho Angela Merkel điểm 10 (!), nhưng ngay sau đó đã lại đe dọa đích danh ngành sản xuất xe hơi Đức và dọa sẽ trừng phạt thích đáng. Khi được hỏi về thang điểm đánh giá của TTh Mỹ, bà Merkel nói bà chả quan tâm.

Về cá nhân có lẽ Thủ tướng Đức chẳng cần quan tâm đến „ông bác“ có vẻ lẩm cẩm...ăn người này, nhưng kinh tế Đức thì cần, vì năm 2017 xuất khẩu của Đức sang Mỹ đạt đến 110 tỷ euro, chiếm đến 1/10 xuất khẩu của Đức. Sau Quebec vừa qua, EU nói chung và Đức nói riêng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp „có đi có lại“ với hàng hóa từ Mỹ và nhấn mạnh sự hiệp đồng để tìm ra „giải pháp Châu Âu“ cho cuộc chiến thương mại toàn cầu mới. Hệ quả nghiêm trọng của việc này không chỉ đối với doanh nghiệp Đức hay Châu Âu, mà chắc chắn kinh tế Mỹ cũng sẽ lĩnh đủ.

Hơn nữa, như Tờ Nam Đức „Süddeutsche Zeitung“ ngày 10/6 bình luận „Với Trump đe dọa một cuộc chiến tranh lạnh mới“ với những nhận thức đáng suy nghĩ „Ngày nay nguy cơ chiến tranh lạnh quay trở lại đã khá hiện thực. Chủ nghĩa tư bản đã không thực hiện được tất cả những hứa hẹn của mình, số người bất bình ngày càng tăng và với họ là sự nghi ngờ về hệ thống. Nơi nơi lực lượng mị dân ở thế thượng phong. Nước Nga thách thức Phương Tây về chính trị, Trung Quốc về kinh tế. Và về chính trị thì Phương Tây chia rẽ. Cuộc gặp gỡ hàng năm giữa các nền kinh tế phát triển đã thất bại thảm hại“

Nguồn: Nguyễn Hữu Tráng - Ngày 11 tháng 6 năm 2018

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...