TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI NGÀY 8/4

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
08/04/2021 | 20:42
Chuyên mục: Nước Đức và Thế giới
0 bình luận
TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI NGÀY 8/4

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22 giờ ngày 8/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 133.910.877 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.904.815 ca tử vong.

107.948.471 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 23.056.591 bệnh nhân đang được điều trị.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 572.891 ca tử vong trong tổng số 31.641.289 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 341.097 ca tử vong trong số 13.197.031 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 166.948 ca tử vong trong số 12.942.335 bệnh nhân.

Tại Mỹ Latinh, Argentina đã siết chặt các biện pháp đối phó với làn sóng thứ hai, như áp đặt lệnh giới nghiêm từ 0h đến 6h sáng hằng ngày và chỉ những người làm việc trong những lĩnh vực thiết yếu có giấy phép mới được di chuyển trong thời gian này. Tất cả các cửa hàng kinh doanh sẽ bắt buộc phải đóng cửa trước 23h. Biện pháp mới sẽ có hiệu lực tại toàn bộ khu vực thủ đô Buenos Aires và các vùng lân cận cũng như các địa phương có số ca mắc COVID-19 tăng cao. Trong khi đó, với những khu vực nằm trong diện có nguy cơ lây nhiễm trung bình, các thống đốc bang có quyền quyết định các biện pháp đối phó. Ngoài ra, chính quyền địa phương được phép kéo dài hoặc rút ngắn thời gian giới nghiêm tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Tại khu vực Bắc Mỹ, chính quyền tỉnh bang Ontario, địa phương đông dân nhất đồng thời là trung tâm kinh tế của Canada, buộc phải thực hiện biện pháp phong tỏa trong 4 tuần để kiểm soát dịch COVID-19. Theo biện pháp mới, người dân phải ở trong nhà trong khi các cửa hàng bán lẻ, trừ hiệu thuốc và cửa hàng bán đồ thiết yếu, phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa này có hiệu lực từ ngày 8/4 đến hết tháng. Ontario cũng là tỉnh bang chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nặng nề nhất tại Canada. Theo giới chức, dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu là do người dân phớt lờ cảnh báo phòng dịch, vẫn di chuyển nhiều trong đợt nghỉ lễ Phục sinh.

Tại châu Âu, Ba Lan trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 954 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Theo giới chức y tế Ba Lan, số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm 20%, song dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-18 tại nước này đã lên tới gần 2,5 triệu người, trong đó có 56.659 ca tử vong.

Trong khi đó, Tây Ban Nha đã quyết định nối lại chương trình tiêm vaccine của hãng AstraZeneca cho người trên 60  tuổi sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định hiện tượng đông máu (huyết khối) chỉ  là một "tác dụng phụ hy hữu" của loại vaccine này.

Còn Italy khuyến nghị chỉ tiêm vaccine của AstraZeneca với những người trên 60 tuổi, nhưng tiếp tục triển khai tiêm liều thứ 2 với những trường hợp đã tiêm liều đầu tiên. Ủy ban Khoa học kỹ thuật (CTS) của Cơ quan Dược phẩm Italy (Aifa) cũng khẳng định các phản ứng đông máu sau khi tiêm vaccine của AstraZeneca là rất hiếm, khi xét đến 86 trường hợp (với 18 trường hợp tử vong) trong tổng số hơn 34 triệu liều đã sử dụng. Với Italy, số ca tử vong do COVID-19 lại tập trung chủ yếu ở người cao tuổi, do đó Ủy ban Khoa học kỹ thuật đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho những người trên 60 tuổi và không có lập luận nào ngăn cản việc tiêm liều thứ 2.

Hungary dự kiến sẽ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 4 triệu trong số 10 triệu dân vào cuối tháng 4 này, đồng thời nới lỏng hơn nữa các biện pháp phong tỏa trong 5-6 ngày tới khi 3 triệu người dân đã được chủng ngừa. Theo Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary, tính đến ngày 8/4, ít nhất 2,6 triệu người ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều. Hungary cũng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca vì cho rằng loại vaccine này là an toàn. Hiện Hungary đã cấp phép sử dụng vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) và vaccine Sputnik V của Nga, dù cả 2 loại vaccine này hiện chưa được EMA phê duyệt. Ngoài các loại vaccine nêu trên, Hungary còn sử dụng vaccine của hãng Pfizer và Moderna, những loại đã được EU cấp phép lưu hành.

Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Tunisia đã công bố các biện pháp bổ sung nhằm kiểm soát dịch trong bối cảnh số ca lây nhiễm mới gia tăng mà theo đánh giá của các nhà chức trách là mối đe dọa đối với quốc gia Bắc Phi này. Các biện pháp, có hiệu lực từ ngày 9-30/4, bao gồm lệnh cấm tụ tập tại nơi công cộng và tại nhà. Chính phủ cũng kêu gọi chính quyền địa phương áp đặt lệnh phong tỏa ban đêm từ 19h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, thay vì 22h như hiện nay. Ngoài ra, các khu chợ hằng tuần trên cả nước cũng phải đóng cửa, những người nhập cảnh vào nước này phải tự cách ly trong 5 ngày dù có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính được thực hiện 72 tiếng trước khi khởi hành.

Còn Qatar quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa, trong đó có việc cấm hầu hết hoạt  động trong nhà trừ các cửa hàng bán đồ thiết yếu. Theo các biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 9/4, các nhà hàng  vẫn được phép hoạt động, song chỉ được phục vụ mang đi, trong khi đó các thánh đường được mở cửa theo 5 khung giờ trong ngày. Giới chức trách Qatar cũng yêu cầu người dân cầu nguyện tại nhà trong tháng lễ Ramadan. Các công sở nhà nước và tư nhân vẫn được hoạt động với 50% số nhân viên.

Tại châu Á, nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới vẫn ở mức cao trong 24 giờ qua, như Thái Lan (405 ca), Philippines (9.216 ca), Nhật Bản (hơn 3.000 ca), Indonesia (5.504 ca), Campuchia (113 ca)...

Indonesia đã quyết định cấm người dân di chuyển bằng đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt trong lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Lệnh cấm này sẽ được áp dụng từ ngày 6-17/5. Thông thường trước lễ Eid al-Fitr hằng năm, người dân Indonesia ồ ạt về quê bằng đường bộ hay đường hàng không. Năm ngoái, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh cấm về quê đối với viên chức, quân nhân, cảnh sát và người lao động ở các xí nghiệp nhà nước, đồng thời chỉ khuyến cáo những người khác không về quê trong dịp này. Lễ Eid al-Fitr đánh dấu chấm dứt tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Năm nay, lễ hội này rơi vào ngày 13-14/5.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ra lệnh đóng cửa ngay lập tức những địa điểm giải trí hoặc nhà hàng trong 14 ngày nếu nơi đó có ca mắc mới COVID-19. Biện pháp này có hiệu lực kể từ ngày 8/4 nhằm ngăn chặn dịch lây lan thêm sau khi xảy ra một đợt bùng phát mới liên quan đến các địa điểm giải trí như quán rượu, quán bar và quán karaoke. Các cơ sở kinh doanh này sẽ bị đóng cửa trong ít nhất 2 tuần nếu phát hiện  tình trạng lây nhiễm. Các nhà hàng vẫn được phép mở cửa, nhưng phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 nghiêm ngặt. 

Ngoài ra, Thủ tướng Prayut cũng trao quyền cho ủy ban về bệnh truyền nhiễm ở mỗi tỉnh để xem xét đóng cửa bất kỳ doanh nghiệp nào trong ít nhất 2 tuần nếu liên quan đến sự bùng phát dịch ở tỉnh đó. Trong trường hợp khẩn cấp, tỉnh trưởng có thể ban hành lệnh đóng cửa tạm thời đối với các địa điểm công cộng như chợ, hội trường, rạp hát và trường học với điều kiện lệnh đó phải được ủy ban về bệnh truyền nhiễm của tỉnh phê duyệt.

Còn New Zealand đã quyết định cấm nhập cảnh tạm thời đối với tất cả hành khách, bao gồm cả công dân nước này, khởi hành từ Ấn Độ trong khoảng 2 tuần sau khi số ca mắc mới gia tăng mạnh ở quốc gia Nam Á này. Động thái trên diễn ra sau khi New Zealand trong 24 giờ qua ghi nhận 23 ca mắc mới tại các điểm nhập cảnh, 17 người trong số này khởi hành từ Ấn Độ. Lệnh đình chỉ này có hiệu lực từ 16h ngày 11/4 (theo giờ địa phương) đến ngày 28/4. Trong thời gian này, Chính phủ New Zealand sẽ xem xét các biện pháp giám sát rủi ro nhằm nối lại việc nhập cảnh.

Nguồn: Minh Châu  (TTXVN)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...