TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN 35.821.261 CA NHIỄM VIRUS SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 6/10, thế giới đã ghi nhận 35.821.261 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 1.050.295 ca tử vong. Đến nay gần 27 triệu bệnh nhân đã phục hồi.
Theo nguồn thông tin này, 1/5 số ca nhiễm tập trung tại Mỹ (7.682.781 ca) và gần 1/6 số ca ở Ấn Độ (6.704.900 ca). Brazil là nước bị ảnh hưởng thứ ba thế giới với 4.940.706 ca nhiễm, trong khi ở vị trí thứ 4 là Nga với 1.237.504 ca.
Xét theo khu vực, châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng cộng 11.222.050 ca nhiễm và 203.768 ca tử vong. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 9.208.763 ca nhiễm và 319.643 ca tử vong. Nam Mỹ đứng thứ 3 với 8.336.775 ca nhiễm và 262.683 ca tử vong. Châu Âu đến nay ghi nhận tổng cộng 5.472.931 ca nhiễm và 226.210 ca tử vong. Châu Phi và châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất, với trên 1,5 triệu ca nhiễm ở châu Phi và trên 31.000 ca ở châu Đại Dương.
Tại châu Á, Ấn Độ vượt xa tất cả các nước còn lại về số ca nhiễm và số tử vong hiện lên tới 103.787 trường hợp. Iran đứng thứ hai châu lục với 479.825 ca nhiễm và 27.419 ca tử vong. Ngoài ra, các nước như Iraq, Bangladesh, Saudi Arabia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Indonesia đều ghi nhận trên 310.000 ca nhiễm, trong đó Indonesia đứng thứ 3 châu Á về số ca tử vong.
Bộ Y tế Iran ngày 6/10 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 4.151 ca nhiễm trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, tại Malaysia hơn 100 trường học ở một số huyện đã phải đóng cửa sau khi số ca nhiễm tại các địa phương này từ đầu tháng 10 tăng vọt lên mức 3 con số. Trên phạm vi toàn quốc, số ca nhiễm ở Malaysia gần đây cũng liên tục tăng lên các mức cao nhất. Ngày 6/10, nước này đã ghi nhận ca tử vong trẻ nhất vì COVID-19, đó là một bé gái mới 1 tuổi.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền Hong Kong lo ngại nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 4 và để ngỏ khả năng tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại Philippines đang có chiều hướng giảm, trong khi giới chức Singapore đang chuẩn bị triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn để có thể sớm mở cửa đường biên, bao gồm việc thiết lập một phòng xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Changi và tiếp tục đàm phán thiết lập hành lang đi lại an toàn với các nước và các khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh.
Tại Bắc Mỹ, Mexico là nước bị ảnh hưởng lớn thứ hai sau Mỹ, với 789.780 ca nhiễm và 81.877 ca tử vong. Tiếp đó, Canada, Panama và CH Dominica đều ghi nhận trên 110.000 ca nhiễm. Riêng Canada ghi nhận trên 9.500 ca tử vong, trong khi hai nước còn lại ghi nhận hơn 2.100 ca. Tuy nhiên, đứng thứ 3 khu vực về số ca tử vong lại là Guatemala với 3.302 ca.
Ngày 5/10, Thống đốc bang New York của Mỹ Andrew Cuomo thông báo sẽ tạm thời đóng cửa các trường học tại 9 khu vực đang có số ca mắc mới tăng cao, đồng thời nhấn mạnh khó khăn trong việc duy trì học sinh đến lớp học trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Quyết định đóng cửa trên có hiệu lực từ ngày 6/10 và được thực thi sớm hơn một ngày so với đề xuất trước đó của Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio. Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo không chấp thuận việc tạm dừng các hoạt động kinh doanh không cần thiết tại 9 khu vực trên vào thời điểm này như đề nghị của ông de Blasio.
Tại Mexico, Bộ Y tế nước này ngày 5/10 thông báo ghi nhận thêm 28.115 ca nhiễm và 2.789 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 789.780 ca, trong đó có 81.877 ca tử vong. Số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng mạnh tại Mexico kể từ thời điểm nước này dỡ bỏ giãn cách xã hội và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 1/6 vừa qua. Mexico hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất, với số ca bệnh cao thứ 7 và số ca tử vong cao thứ 4 thế giới.
Ở khu vực Nam Mỹ, sau Brazil, các nước Colombia, Peru và Argentina đều ghi nhận hơn 800.000 ca nhiễm, trong đó Peru có số ca tử vong cao thứ hai khu vực với 32.834 ca.
Tại châu Âu, Nga là nước có số ca nhiễm cao nhất với 1.237.504 ca, song Anh là nước có nhiều ca tử vong nhất với 42.369 ca. Tây Ban Nha đứng thứ hai về số ca nhiễm với 852.838 ca, trong khi Italy đứng thứ hai về số ca tử vong với 36.002 ca.
Tại Ba Lan, theo số liệu cập nhật trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 58 ca tử vong mới, mức cao nhất từ khi bùng phát dịch. Trong khi đó, số ca phải dùng máy trợ thở và số giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 cũng tăng mạnh. Trong ngày 6/10, nước này có thêm 2.236 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 104.316 ca. Thứ trưởng Y tế Ba Lan Waldemar Kraska nhận định: "Tình hình rất đáng lo ngại". Bộ Y tế Ba Lan có kế hoạch tăng số giường cho bệnh nhân COVID-19 và mở thêm bệnh viện để điều trị riêng bệnh nhân loại này.
Trong khi đó, tại Ireland, Thủ tướng Micheal Martin thông báo chính phủ sẽ nâng mức độ ứng phó với COVID-19 từ mức 2 lên mức 3 trên toàn quốc trong 3 tuần, từ 0h ngày 6/10. Quyết định được đưa ra nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu đi tại đây. Theo đó, người dân sẽ phải hạn chế đi lại và không được phép đi ra nước ngoài, trừ trường hợp đi công tác, du học hoặc phục vụ những mục đích quan trọng khác. Mọi người cũng được khuyến cáo làm việc tại nhà, trừ trường hợp thật cần thiết. Các phương tiện giao thông công cộng chỉ hoạt động để phục vụ những người làm việc trong những lĩnh vực thiết yếu.
Trong cuộc đua tìm kiếm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu Canada đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng lao (BCG). Loại vaccine chỉ cần tiêm một liều duy nhất này hiện không còn được khuyến cáo phổ cập ở Canada do tỷ lệ mắc bệnh lao tại đây rất thấp. Tuy nhiên, một loạt nghiên cứu về dịch tễ cho thấy vaccine BCG có thể đóng một vai trò rộng hơn trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp. Vaccine BCG do hai nhà nghiên cứu tại Viện Pasteur ở Lille (Pháp) là Albert Calmette và Camille Guérin phát triển vào đầu thế kỷ 20. Vaccine này lần đầu tiên được thử nghiệm trên người vào năm 1921.
Trong một diễn biến khác, ngày 6/10, giới chức quản lý dược phẩm châu Âu đang đánh giá những dữ liệu sơ bộ từ một loại vaccine phòng COVID-19 do công ty BioNTech và hãng dược phẩm hàng đầu của Mỹ Pfizer phối hợp phát triển, trong khuôn khổ quy trình ưu tiên nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép. Đây là lần thứ hai Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) thực hiện quy trình "đánh giá cuốn chiếu" với một loại vaccine COVID-19. Trước đó, EMA nhất trí đánh giá loại vaccine tiềm năng do AstraZeneca và Đại học Oxford Anh phối hợp phát triển.
Vaccine COVID-19 của BioNTech và Pfizer sử dụng công nghệ dựa trên mRNA, một loại vật chất di truyền chưa từng được sử dụng để sản xuất vaccine. Đây cũng là 1 trong 9 vaccine tiềm năng đã bước vào các thử nghiệm trên người giai đoạn cuối, với hàng nghìn người tham gia. Trên 37.000 người tham gia nghiên cứu của BioNTech và Pfizer, trong đó có người dân ở Mỹ, Brazil, Nam Phi và Argentina. Trên 28.000 người đã được tiêm mũi thứ hai.
Nguồn: baotintuc.vn - Bích Liên (TTXVN)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *