TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN TRÊN 132,5 TRIỆU CA NHIỄM VIRUS SARS-CoV-2

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
06/04/2021 | 22:15
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN TRÊN 132,5 TRIỆU CA NHIỄM VIRUS SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 22h00 ngày 6/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 132.597.727 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.876.699 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 106.880.036 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 569.361 ca tử vong trong tổng số 31.500.372 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 333.153 ca tử vong trong số 13.023.189 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 165.698 ca tử vong trong số 12.709.047 bệnh nhân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 44,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 974.300 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 800.000 ca tử vong trong trên 25,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 578.700 ca tử vong trong trên 31,7 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 277.600 ca tử vong trong trên 18,5 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 116.100 ca tử vong, châu Phi có trên 114.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 1.004 người.

Tình hình dịch bệnh tại các nước Đông Nam Á tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 6/4, Bộ Y tế Timor Leste thông báo ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Bệnh nhân nữ 44 tuổi, có tiền sử suy thận, được phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 24/3. Timor Leste vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 8 năm ngoái.

Philippines thông báo ghi nhận 382 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 6/4 - mức tăng cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 13.817 ca. Trong khi đó, Philippines cũng phát hiện thêm 9.373 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 812.760 ca. Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana là quan chức mới nhất của Philippines cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Thái Lan có thêm 250 ca mắc, với gần 2/3 trong số này tập trung tại thủ đô Bangkok. Theo Trung tâm kiểm soát dịch COVID-19, trong số ca mắc mới có 245 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến ngày 6/4, Thái Lan đã ghi nhận 29.571 ca mắc, trong đó có 95 ca tử vong.

Tại Campuchia, tối 6/4, Thủ tướng Hun Sen đã ký Quyết định số 44 cấm đi lại tạm thời giữa các tỉnh để phòng chống dịch COVID-19 lây lan. Lệnh cấm có hiệu lực từ 0h ngày 7/4 đến ngày 20/4/2021. Tuy nhiên, người dân được phép đi lại giữa thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal tiếp giáp vì được coi là một vùng. Theo quyết định này, các khu du lịch trong cả nước phải đóng cửa trong 14 ngày bắt đầu từ 0h ngày 7/4 đến ngày 20/4 tới. Tuy nhiên, hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy, lực lượng y tế, cứu hỏa, xe chở rác, xe đưa đón người lao động được cấp phép, lực lượng vũ trang và công chức thực thi nhiệm vụ vẫn được phép hoạt động.

Ngày 6/4 là ngày thứ hai liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên 400 ca, trong bối cảnh nước này xuất hiện các ổ dịch lẻ tẻ trên toàn quốc và dịch bệnh có nguy cơ tăng trở lại do người dân lơ là cảnh giác và gia tăng hoạt động đi lại vào mùa Xuân. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này trong 24 giờ qua ghi nhận 478 ca nhiễm mới, trong đó có 460 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 106.230 ca, trong đó có 1.752 ca tử vong (sau khi có thêm 4 ca). 

Tại Nhật Bản, tỉnh Osaka đã ghi nhận 719 ca mắc mới chỉ trong 1 ngày bất chấp việc tỉnh này đang thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch gắt gao. Số ca lây nhiễm mới trong ngày tại tỉnh Osaka luôn ở mức cao nhất cả nước trong nhiều ngày qua. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura cũng cảnh báo tình hình dịch bệnh tại thủ đô Tokyo đang xấu đi và hối thúc người dân cảnh giác. Tokyo cùng ngày ghi nhận 399 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại thành phố này lên 123.350 ca, cao nhất trong tổng 47 tỉnh của Nhật Bản.

Bộ trưởng Tamura cho rằng trong trường hợp số ca mắc mới tăng trở lại tại Tokyo, các nhà chức trách có thể áp đặt các biện pháp phòng dịch gắt gao hơn tại từng thành phố, thị trấn cụ thể, thay vì thực hiện trên toàn tỉnh. Nếu tình hình dịch lên Cấp độ 4, mức cao nhất trong hệ thống gồm 4 cấp, chính phủ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp tăng cường phòng dịch trọng điểm tương đương Cấp độ 2.

Tại Ấn Độ, chính quyền bang Delhi đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm nhằm kiểm soát tình trạng số ca mắc mới COVID-19 tăng cao. Theo đó, lệnh giới nghiêm từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 4 này. Trong 2 ngày qua, chính quyền bang Delhi đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch, theo đó ngày 5/4 quyết định duy trì hoạt động 24/24h đối với 1/3 số điểm tiêm chủng tại các bệnh viện công. 

Tại châu Âu, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili thông báo có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Văn phòng Thủ tướng cho hay hiện ông Garibashvili đang tự cách ly tại nhà và vẫn tiếp tục làm việc. Gruzia đã ghi nhận 897 ca mắc mới trong ngày 6/4, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 284.958 ca.

Chính phủ Hungary thông báo sẽ bắt đầu dần nới lỏng lệnh giãn cách xã hội trong vài ngày tới, trong bối cảnh nước này sắp có khoảng 25% trong tổng số 10 triệu dân được tiêm vaccine COVID-19. Khi đó, chính phủ sẽ rút ngắn thời gian áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, tức là bắt đầu lúc 22h thay vì 20h, và cho phép tất cả các cửa hàng mở cửa đến 21h30 với điều kiện đảm bảo tối đa 10 m2/khách. Các trường học sẽ mở cửa trở lại vào giữa tháng 4 khi các giáo viên đều được tiêm phòng. Tuy nhiên, các khách sạn, quán ăn và nhà hàng, trừ những cơ sở cho phép mua đồ về nhà và giao hàng, sẽ tiếp tục đóng cửa.

Chính phủ Bắc Macedonia đã quyết định áp đặt bổ sung các biện pháp hạn chế từ ngày 7 - 20/4 nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. Cụ thể, các quán bar và nhà hàng sẽ đóng cửa trong hai tuần tới, ngoại trừ các dịch vụ giao hàng. Lệnh giới nghiêm toàn quốc sẽ bắt đầu sớm hơn 2 giờ so với lệnh giới nghiêm hiện nay, tức là sẽ áp dụng từ 20h hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Các biện pháp bổ sung khác cũng bao gồm đóng cửa tất cả các trung tâm thể thao và tập luyện, cấm tổ chức các hội nghị, hội thảo và nhiều sự kiện khác.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tăng mạnh tại Bắc Macedonia. Thủ tướng Zoran Zaev cho biết số ca mắc mới gia tăng gần đây gây sức ép lớn nhất đối với hệ thống y tế nước này kể từ khi dịch bùng phát.

Tại châu Mỹ, 8 triệu người dân thủ đô Bogota của của Colombia sẽ phải thực thi lệnh phong tỏa gắt gao trong 3 ngày từ 10 - 12/4 trong bối cảnh thành phố này đang chật vật ứng phó với làn sóng thứ 3 của đại dịch, theo đó tất cả người dân phải ở trong nhà, chỉ các hoạt động thiết yếu được phép diễn ra.

Kể từ cuối tháng 3, nhà chức trách Colombia đã áp đặt biện pháp hạn chế đi lại vào ban đêm nhằm ngăn chặn dịch lây lan, song số ca mắc mới và tử vong tiếp tục tăng cao do hoạt động đi lại của người dân vào dịp lễ Phục sinh. Cho tới nay, 2,4 triệu người trong tổng số 50 triệu dân quốc gia Nam Mỹ này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Colombia là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 2 trong khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil, với trên 2,4 triệu ca, và đứng thứ 3 về số ca tử vong với 64.293 ca.

Nguồn: Thanh Phương (TTXVN)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...