TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN TRÊN 248,4 TRIỆU CA NHIỄM SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 3/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 248.463.428 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.032.196 người không qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục là 225.130.770 người.
Tại châu Á, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 1.062 ca mắc mới COVID-19 và 3 trường hợp tử vong. Đây là lần đầu tiên Lào ghi nhận số ca mắc mới lên tới 4 con số, cao nhất kể từ đầu dịch đến nay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước - 517 ca. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Lào là 42.891 ca, trong đó có 73 người tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào đã yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19 tại các vùng đỏ, trong đó có lệnh giới nghiêm từ 23h đến 5h sáng hằng ngày ở những địa phương có các ca lây nhiễm cộng đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế Lào cũng đang thành lập các đội y tế lưu động tại từng quận, huyện trên cả nước để tiêm chủng cho những người ốm liệt giường hoặc không thể rời nhà đến các trung tâm tiêm chủng vì bất kỳ lý do gì.
Ở Campuchia, 2 ngày sau khi nước này quyết định mở cửa hoàn toàn, số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảm và ở mức thấp nhất trong 33 ngày qua. Trong thông cáo ngày 3/11, Bộ Y tế nước này ghi nhận 85 ca mắc mới (bao gồm 9 ca nhập cảnh và 76 ca lây nhiễm cộng đồng) và có thêm 7 người tử vong, trong đó có 5 người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong khi đó, ở thủ đô Phnom Penh, Đô trưởng Khuong Sreng đã yêu cầu giới chức 14 quận của thủ đô và lực lượng vũ trang thực hiện nghiêm các biện pháp cấm các quán karaoke và câu lạc bộ giải trí hoạt động trên địa bàn. Chỉ thị trên được đưa ra sau khi một số quán karaoke và câu lạc bộ đêm tại Phnom Penh không tuân thủ yêu cầu của chính quyền thành phố, đã mở cửa trở lại vì nhầm lẫn cho rằng Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen ngày 1/11 tuyên bố mở cửa hoàn toàn tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực của họ. Đô trưởng Khuong Sreng một lần nữa khẳng định chính phủ cho phép mở cửa tất cả các lĩnh vực, nhưng câu lạc bộ đêm và quán karaoke vẫn chưa được phép hoạt động.
Tại Trung Quốc, thêm nhiều tỉnh đang tăng cường chống dịch sau khi ghi nhận đợt bùng phát mạnh nhất kể từ khi đại dịch xảy ra năm 2019. Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang hoành hành tại nhiều địa phương, bất chấp các biện pháp chặt chẽ mà giới chức sở tại đã ban hành nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Đến nay, số ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại 19 trong số 31 tỉnh ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Chỉ riêng trong ngày 3/11, Trung Quốc thông báo có 93 ca mắc mới trong cộng đồng và 11 ca bệnh không triệu chứng.
Ba tỉnh mới nhất ghi nhận các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là Trùng Khánh, Hà Nam và Giang Tô, thuộc khu vực duyên hải miền Đông Trung Quốc. Địa phương ghi nhận nhiều ca mới nhất là Hắc Long Giang (35 ca). Tiếp đến là Hà Bắc (14 ca), Cam Túc (14 ca), Bắc Kinh (9 ca), khu tự trị Nội Mông (6 ca)....
Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo nước này đang trải qua một đợt bùng phát đại dịch "quy mô lớn" tác động chủ yếu tới những người chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn các ca mắc mới tăng trở lại.
Theo số liệu của Viện Robert Koch ngày 3/11, Đức ghi nhận 20.398 ca mắc mới và 194 ca tử vong. Hơn 66% dân số Đức đã được tiêm phòng đầy đủ, tuy nhiên Bộ trưởng Y tế tỏ ra quan ngại khi tỷ lệ người đi tiêm phòng trong thời gian qua đang giảm dần và một số lượng đáng kể người dân từ 18-59 tuổi vẫn chưa tiêm phòng.
Nga ghi nhận 40.443 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 8.663.643 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Nga cũng lên mức 242.060 ca, thêm 1.189 ca so với một ngày trước đó và đây cũng là số ca tử vong ghi nhận trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại Nga. Thủ đô Moskva ghi nhận 6.827 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại thành phố này lên 1.837.643 ca. Trên 56,6 triệu người ở Nga đã được tiêm phòng ít nhất một mũi, trên 48,2 triệu người đã được tiêm phòng đầy đủ.
Slovenia ghi nhận 3.456 ca mắc mới trong ngày 2/11, cao nhất từ trước đến nay, chiếm tới 44,7% số người được xét nghiệm trong ngày. Các chuyên gia y tế Slovenia khuyến nghị áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn để kiểm soát đợt bùng phát mới. Hiện quốc gia với khoảng 2 triệu dân này ghi nhận tổng cộng 29.354 ca mắc bệnh. Khoảng 1,12 triệu người dân ở Slovenia đã được tiêm phòng đầy đủ (tương đương 53% dân số). Các chuyên gia y tế Slovenia trong tuần qua đã đề nghị siết chặt các biện pháp hạn chế tụ tập, rút ngắn thời gian hoạt động của các quán bar và nhà hàng, nhân viên trong các lĩnh vực công làm việc tại nhà.
Bộ Y tế CH Séc cho biết số ca mắc mới tại nước này lên tới gần 10.000 ca - cao nhất từ tháng 3 đến nay. Số bệnh nhân phải nhập viện là trên 2.000 người, cao nhất từ tháng 5. Giống như các nước khác tại Trung Âu, Séc đang chứng kiến làn sóng tái bùng phát dịch mạnh mẽ. Ba Lan cũng ghi nhận hơn 10.400 ca mắc mới, tăng 24% so với một tuần trước đó. Lần gần đây nhất số ca mắc mới trong ngày tại nước này trên 10.000 ca là vào cuối tháng 4.
Hy Lạp và Hà Lan siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bối cảnh số ca mắc mới tại các nước này có xu hướng tăng sau thời gian thực hiện nới lỏng các biện pháp. Tại Hy Lạp, các quy định mới được ban hành chủ yếu nhắm vào các đối tượng chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte đã quyết định tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, thực hiện giãn cách xã hội và yêu cầu trình chứng nhận COVID-19 tại các viện bảo tàng hay nhà hàng. Người dân nước này cũng được khuyến nghị làm việc tại nhà ít nhất nửa thời gian trong tuần và tránh đi lại vào giờ cao điểm.
Tại châu Mỹ, Canada và Cuba tiếp tục nới lỏng hạn chế với du khách quốc tế. Bộ trưởng Giao thông vận tải Canada Omar Alghabra cho biết có thêm 8 sân bay sẽ bắt đầu đón khách quốc tế từ ngày 30/11, nâng tổng số sân bay của Canada mở cửa cho du khách toàn cầu lên 18 sân bay. Bộ trưởng Alghabra khẳng định quyết định trên sẽ đảm bảo du khách có thể tiếp cận nhiều sân bay trong khu vực hơn để đi du lịch quốc tế trong mùa Đông này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Cuba Eduardo Rodriguez cho biết số chuyến bay quốc tế tới Cuba có thể tăng từ 63 chuyến/tuần hiện nay lên 400 chuyến/tuần vào giữa tháng 11 khi đảo quốc Caribê này nới lỏng các hạn chế do đại dịch. Theo đó, số chuyến bay từ Mỹ đến sân bay quốc tế Jose Marti của La Habana dự kiến sẽ tăng từ 4 lên gần 80 chuyến trong vài tuần tới. Bắt đầu từ ngày 7/11, du khách quốc tế tới Cuba sẽ không còn bị yêu cầu cách ly tại khách sạn được chỉ định và từ 15/11, hành khách có thể sử dụng “hộ chiếu vaccine” hoặc các văn bản chứng nhận tiêm chủng khi nhập cảnh.
Về chương trình tiêm chủng cho trẻ em, nhiều nước đang triển khai chiến dịch này. Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, sớm nhất là từ ngày 3/11. Ước tính có khoảng 28 triệu trẻ em ở độ tuổi này tại Mỹ đủ điều kiện tiêm chủng. Chính phủ Indonesia cũng cho biết chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi ở nước này sẽ bắt đầu từ các khu vực đã đạt được mục tiêu tiêm chủng của chính phủ. Trước đó, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã chính thức phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho đối tượng trẻ em từ 6-11 tuổi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 3/11 thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 do công ty Bharat Biotech (Ấn Độ) phát triển. Đây là vaccine đầu tiên do Ấn Độ sản xuất được đưa vào danh sách này, mở đường cho vaccine của Ấn Độ được chấp thuận tại nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia nghèo.
Nguồn: Trần Quyên (TTXVN)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *