TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN TRÊN 81,8 TRIỆU CA NHIỄM SARS-CoV-2

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
29/12/2020 | 20:06
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
TOÀN THẾ GIỚI ĐÃ GHI NHẬN TRÊN 81,8 TRIỆU CA NHIỄM SARS-CoV-2

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 343.186 ca tử vong trong tổng số 19.785.332 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 148.190 ca tử vong trong số 10.224.797 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 191.641 ca tử vong trong số 7.506.890 bệnh nhân.

Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 166 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 125 người và Italy với 120 người.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với trên 25,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 555.100 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với trên 499.400 ca tử vong trong trên 15,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 349.900 ca tử vong trong trên 19,8 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận trên 217.100 ca tử vong trong trên 13,7 triệu ca nhiễm. Trung Đông có trên 89.200 ca tử vong, châu Phi có trên 63.300 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.

Tại châu Á, Chính phủ Campuchia đã ra chỉ thị cho phép các cơ sở giáo dục tư nhân đón học sinh trở lại lớp kể từ ngày 29/12, trong khi các trường công lập được mở cửa lại từ ngày 11/1/2021. Trước đó, các trường học ở Campuchia đã phải đóng cửa và chuyển sang dạy trực tuyến sau vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại nước này, còn gọi là “sự cố cộng đồng ngày 28/11”. Ngày 29/12, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố sự cố này đã được kiểm soát vì không phát hiện thêm ca mắc mới. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 41 ca mắc COVID-19 liên quan đến sự cố ngày 28/11, trong đó 37 người đã khỏi bệnh.

Ngày 29/12, hãng hàng không quốc gia Lào (Lao Airlines) thông báo hãng đã đình chỉ tất cả chuyến bay thuê bao đến và đi từ nước ngoài đến cuối tháng 1/2021 để hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 quy định mọi hành khách nhập cảnh Lào trên tất cả các chuyến bay, kể cả các chuyến bay nhân đạo được cấp phép, đều phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục cần thiết và tiến hành cách ly bắt buộc tại các trung tâm do Chính phủ Lào chỉ định. Hiện Lào chỉ còn khai thác đường bay quốc tế thường xuyên duy nhất là Vientiane - Côn Minh (Trung Quốc), với tần suất 2 chuyến/tuần. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào ghi nhận 41 ca mắc COVID-19 và hiện chỉ còn duy nhất một bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.

Philippines sẽ cấm nhập cảnh đối với những hành khách đến từ Nhật Bản, Australia, Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Iceland, Ireland, Israel, Italy, Liban, Hà Lan, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 30/12 đến ngày 15/1/2021, áp dụng với cả hành khách nước ngoài và công dân Philippines về nước. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Philippines đang nỗ lực đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 nghi có liên quan đến biến thể VUI-202012/01. 

Ngày 29/12, Thái Lan đã ghi nhận thêm 155 ca mắc COVID-19, bao gồm 134 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 10 ca trong khu cách ly và 11 ca là lao động nhập cư, nâng tổng số ca COVID-19 ở nước này kể từ tháng 1/2020 đến nay lên 6.440 ca. Trước đó một ngày, Thái Lan cũng thông báo ca tử vong đầu tiên vì dịch COVID-19 trong gần hai tháng trở lại đây, nâng tổng số người không qua khỏi do COVID-19 ở nước này lên 61. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho biết chính phủ quyết định không phong tỏa toàn quốc trong dịp Năm mới do tình hình dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp. 

Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 40 ca tử vong do COVID-19 trong một ngày, mức cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca mắc đầu tiên vào cuối tháng 1 vừa qua, theo đó nâng tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Hàn Quốc lên 859 trường hợp. Số ca mắc mới tại nước này cũng tăng thêm 1.046 ca, nâng tổng số ca mắc lên 58.725 trường hợp.

Tại Nhật Bản, Thượng nghị sĩ Yuichiro Hata thuộc đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập đã tử vong sau khi mắc COVID-19. Đây là nghị sĩ đầu tiên ở Nhật Bản tử vong vì virus SARS-CoV-2 gây căn bệnh nguy hiểm này. Ông Hata có một số bệnh nền, trong đó có bệnh tiểu đường.

Tại châu Âu, giới chức y tế Đức cho biết biến thể VUI-202012/01 đã xuất hiện ở Đức từ tháng trước. Theo Sở Y tế bang Niedersachsen, các nhà nghiên cứu Trường Y Hannover đã nhận diện được biến thể VUI-202012/01 trong mẫu phẩm của một bệnh nhân COVID-19 cao tuổi vào tháng 11/2020 nhờ giải trình tự cả bộ gene. Bệnh viện Berlin Charite cũng xác nhận kết quả này. Trước đó, Đức thông báo đã phát hiện ca nhiễm biến thể VUI-202012/01 đầu tiên vào ngày 24/12. Bệnh nhân là một phụ nữ bay từ Anh tới. Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã ghi nhận các ca mắc biến thể VUI-202012/01, trong đó có Bồ Đào Nha, Pháp, Jordan và Hàn Quốc...

Giáo sư Dịch tễ học thuộc trường Đại học London - ông Andrew Hayward cảnh báo Chính phủ Anh cần đưa ra những quy định phong tỏa chặt chẽ để ngăn chặn một làn sóng tử vong mới do biến thể VUI-202012/01. Theo ông Hayward, biến thể VUI-202012/01 lây nhiễm với tốc độ nhanh hơn có nghĩa các biện pháp phong tỏa đang được triển khai tại Anh không đủ hiệu quả khống chế.

Trong ngày 28/12, Anh đã ghi nhận thêm 41.385 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi nước này triển khai chương trình xét nghiệm rộng rãi vào giữa năm 2020. Các bệnh viện thông báo đã tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 hơn so với làn sóng dịch bệnh đầu tiên hồi tháng 4. Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), trong ngày 28/12, có 20.426 bệnh nhân COVID-19 đã nhập viện điều trị tại các bệnh viện của nước này so với kỷ lục 18.974 bệnh nhân/ngày trong làn sóng dịch đầu tiên.

Trong khi đó, tại châu Mỹ, chính quyền thành phố Rio de Janeiro (Brazil) đã ban hành lệnh cấm người dân nước này tới khu vực bờ biển trong đêm Giao thừa 31/12 nhằm ngăn chặn việc tập trung đông người tại một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Theo đó, mọi phương tiện giao thông sẽ bị cấm hoạt động dọc trên tuyến đường ven biển dài 30 km trong đêm này. Như vậy, hoạt động thường niên tổ chức mừng Năm mới tại khu vực bờ biển này sẽ không diễn ra. Chỉ có người dân sống khu vực gần đó được phép đi dạo trong khu vực.

Liên quan công tác triển khai tiêm vaccine, ngày 29/12, Belarus đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân vaccine Sputnik V của Nga. Như vậy, Belarus là quốc gia đầu tiên ngoài Nga sử dụng vaccine này để tiêm phòng cho người dân. Trong khi đó, Iran đã tiến hành thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, do nước này tự bào chế.

Giới chức Dubai cũng thông báo kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho 70% dân số nước này trước cuối năm 2021.

Tuần trước, trung tâm tài chính của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bắt đầu giai đoạn tiêm vaccine đầu tiên cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên, trong đó có những người trên 60 tuổi, những người có bệnh lý nền, những người khuyết tật và các nhân viên tuyến đầu chống dịch.

Nguồn: Thanh Phương (TTXVN)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...