TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG MERKEL: "CHÚNG TA SẼ CÓ MỘT MÙA LỄ PHỤC SINH HOÀN TOÀN KHÁC"
Ngay sau khi kết thúc 14 ngày tự cách ly, Thủ tướng Merkel đã trở lại làm việc và có bài phát biểu với nhân dân Đức chiều tối 3.4 vừa qua. Toàn văn như sau:
„Xin chào tất cả bà con nhân dân,
Tôi rất vui hôm nay lại được nói với quý vị từ Phủ Thủ tướng.
Tôi đã qua giai đoạn cách ly tại gia và hiện tại sức khỏe tốt. Bây giờ tôi hiểu: 14 ngày ở nhà một mình, 14 ngày chỉ gắn kết với thế giới qua điện thoại và mạng, điều này không dễ dàng chút nào, nhất là đối với những người lớn tuổi hoặc bệnh tật trong thời gian họ phải cách ly ở nhà một mình vì virus này là mối nguy hiểm lớn đối với họ, không như tôi sau hai tuần lại có thể ra khỏi nhà. Tôi xin gửi đến tất những người đang ở trong hoàn cảnh này lời chào và chúc mừng tốt đẹp nhất.
Điều quan trọng với tôi lần nữa phải nói điều gì đã thôi thúc và dẫn dắt tôi cũng như Chính phủ Liên bang trong cuộc chiến chống lại coronavirus.
Bởi vì trong những tuần tới sẽ đến Lễ phục sinh và đó là khoảng thời gian đặc biệt. Lễ phục sinh đối với hàng triệu tín đồ công giao là buổi lễ nhà thờ, là ngày chủ nhật phục sinh với toàn thể gia đình, mà cũng có thể là cuộc đi dạo hay thắp nến phục sinh.
Đối với nhiều người có thể là kỳ nghỉ ngắn ở biển hay xuống phía Nam nơi bắt đầu ấm dần lên. Bình thường là thế. Nhưng năm nay lại không thể thế.
Đó cũng là điều tôi phải nói với bà con hôm nay: Tất cả chúng ta sẽ có một mùa Lễ Phục sinh hoàn toàn khác so với trước kia.
Đương nhiên bà con công giáo Đức vẫn sẽ tổ chức lễ thứ sáu và chủ nhật phục sinh, nhưng không ở nhà thờ, vai sát vai với những người cùng xóm đạo. Tôi rất mừng vì trong những tuần qua nhà thờ đã làm được điều tuyệt vời tổ chức các buổi lễ thánh qua truyền hình, đài phát thanh cũng như qua mạng để nhiều người có thể tiếp cận được. Chắc chắn là dịp Phục sinh tới sẽ có nhiều hơn nữa.
Trong bối cảnh này tôi cũng nghĩ đến những người Do thái và Hồi giáo ở Đức cũng như tất cả tín đồ khác khi họ không cùng nhau đến được nơi thờ tự của mình. Đó là một trong những hạn chế mà thực tế nó đã chạm đến hạt nhân của xã hội và chúng ta cũng chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách và duy trì trong chừng mực thật sự cần thiết.
Ngay cả một cuộc đi dạo nhân Lễ phục sinh cũng cần theo những quy chế nơi nơi đang thực hiện hai tuần qua: chỉ với người thân sống cùng gia đình hoặc nhiều nhất với một người khác và lúc nào cũng cần giữ khoảng cách tối thiểu mét rưỡi hay tốt nhất hai mét với những người khác. Bà con cũng đừng quên nghĩ đến việc rửa tay cẩn thận và thường xuyên.
Và ngay khi bà con quyết định đeo khẩu trang thì cũng đừng bao giờ quên là điều đó không thay thế cho việc giữ khoảng cách. Chừng nào chưa có vác-xin và thuốc chữa trị loại virus này thì cách ly là cách bảo vệ hiệu quả nhất.
Còn điều nữa cũng mong bà con lưu ý: ngay cả những kỳ nghỉ ngắn ở ngay trong nước Đức, ra biển, lên núi hay đến thăm người thân, điều này cũng không được cho đến hết kỳ Lễ phục sinh năm nay.
Tôi hiểu đó là sự thật phũ phàng. Chúng ta đã quen với việc di chuyển, làm một điều gì đó, du lịch khi nào và nơi nào mình muốn. Quyền tự quyết này là nền tảng cơ bản của cuộc sống tự do của chúng ta. Thế mà tự nhiên bây giờ tất cả phải theo quy tắc, phải hạn chế, cấm cản. Nhưng điều này nay lại là cốt tử. Cũng vì thế nên tôi muốn lưu ý lần nữa tất cả chúng ta, ngay trước kỳ Phục sinh.
Nhiều bà con có thể nói: chúng ta đã áp dụng quy tắc này được hơn hai tuần rồi và nó còn kéo dài bao lâu nữa? Tôi rất hiểu câu hỏi này, nhưng sẽ hành động rất vô trách nhiệm nếu hôm nay tôi nói với bà con một ngày giờ cụ thể để dỡ bỏ hoặc giảm bớt các biện pháp hạn chế này, khi biết chắc lời hứa này không thực hiện được do số người bị lây nhiễm không cho phép điều đó.
Nếu bằng lời hứa như vậy sẽ càng làm thất vọng những điều hy vọng vào điều đó thì chúng ta sẽ đi từ những điều tồi tệ này đến những điều tồi tệ khác – về y tế, kinh tế, xã hội.
Nhưng điều mà tôi muốn và có thể hứa với bà con, là bà con hãy tin tưởng, cá nhân tôi và Chính phủ không quản ngày đêm luôn trăn trở để đạt được hai điều: một mặt bảo đảm an toàn tính mạng cho tất cả mọi người và về việc dần dần có bước đi phù hợp đưa cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường.
Chúng ta sẽ vô trách nhiệm nếu không suy nghĩ về những điều đó. Nhưng chúng ta cũng sẽ vô trách nhiệm nếu tạo nên những hy vọng không đúng khi đưa ra thời điểm cụ thể mà thực tế không làm được.
Đó là tất cả những điều định hướng cho tôi. Đó cũng là một công việc khổng lồ và tất cả mọi người, bà con yêu quý có quyền đặt ra cho Chính phủ Liên bang cũng như cho cá nhân tôi. Đó cũng chính là những việc chúng tôi đang làm. Tôi xin hứa với bà con như vậy.
Để đạt được điều trên, nói thật, chúng tôi tiếp tục cần sự hỗ trợ của tất cả bà con, điều mà bà con đã làm tuyệt vời trong những tuần qua. Đơn giản điều này thật sự vĩ đại vì tuyệt đại đa số người dân ở đất nước chúng ta đã làm được. Đất nước chúng ta cho thấy mặt tốt đẹp nhất của mình. Tôi xin cảm ơn ngàn lần về điều đó và có thể không bao giờ đủ.
Điều quan trọng là chúng ta càng rõ hơn những nhiệm vụ gì trước mắt, tình hình hiện nay thế nào và điều gì là quan trọng, là cực kỳ quan trọng, là việc chúng ta tiếp tục thực hiện những quy tắc, hạn chế và những điều cấm: "Coronavirus vẫn bùng phát ở Đức với tốc độ cao. Tôi buồn vì những người đã mất qua dịch lần này và nghĩ đến thân nhân và bạn bè họ".
Hàng ngày vẫn có hàng ngàn ca nhiễm, đương nhiên cũng có nghĩa là hàng ngày sẽ có thêm hàng ngàn bệnh nhân mới, trong đó có nhiều người phải điều trị y tế tích cực hay phải điều trị tại bệnh viện.
Hiện chúng ta còn có thể có những biện pháp điều trị cần thiết những bệnh nhân nặng. Nhưng cần phải duy trì như thế, đó là mục tiêu chúng ta phải đạt được. Bởi vì xã hội chúng ta là xã hội nhân đạo. Đó không chỉ là những con số, mà đó là những con người cụ thể mà phẩm giá của họ phải được tôn trọng.
Đúng là con số thống kê của Viện Robert-Koch, dù nó có cao, nhưng cho chúng ta một chút hy vọng thận trọng. Bởi vì con số lây nhiễm có xu hướng giảm dần những ngày qua so với mấy ngày trước.
Nhưng thực sự còn sớm để kết luận về một xu hướng và cũng còn sớm để nới lỏng chỗ này hay chỗ kia biện pháp hạn chế đang áp dụng.
Các chuyên gia nói với chúng ta còn chờ thời gian nữa chúng ta mới có thể biết những biện pháp đã triển khai và trước hết là sự hạn chế rộng rãi mà mọi người phải chịu đựng có thể khiến đồ thị lây nhiễm đi xuống hay không. Chúng ta phải biết để chắc chắn là hệ thống y tế của chúng ta trụ vững trước những áp lực khổng lồ của đại dịch lần này.
Trong cuộc trao đổi với thủ hiến các bang hôm thứ tư vừa qua, chúng tôi đã hoàn toàn nhất trí là cần tiếp tục duy trì những quy tắc hạn chế đời sống công cộng, hạn chế tiếp xúc của từng cá nhân. Trước mắt duy trì đến 19/4, dịp kết thúc Lễ phục sinh ở hầu hết các bang.
Tiếp theo sẽ tiếp tục như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm dừng của sự lây lan ở Đức và nó tác động đến các bệnh viên như thế nào.#Tôi hiểu đây là thời kỳ đầy lo âu. Lo lắng cho gia đình mình, nơi làm việc cũng như đất nước chúng ta sẽ thay đổi như thế nào qua việc giới hạn mà đại dịch đã tác động đến. Dù đã rất cố gắng nhưng chính trị cũng không thể nào làm nó bớt đi được.
Nhưng tôi xin bảo đảm với bà con: chúng tôi sẽ làm tất cả về phía nhà nước để cho những lo âu của bà con ít trở thành hiện thực.
Trong những ngày qua đã có những chương trình hỗ trợ kinh tế, xã hội to lớn nhất ở Đức từ trước đến nay. Rất nhiều đơn xin trợ cấp, vay tín dụng, trợ cấp việc làm cũng như những khoản khác sẽ được xử lý một cách nhanh nhất, ít quan liêu nhất. Bà con cần biết rằng Chính phủ Liên bang ở bên bà con. Chúng tôi sẽ làm tất cả để cho nền kinh tế xã hội, đoàn kết vượt qua thử thách này.
Tất cả chúng ta, thưa bà con yêu quý, từng này đều học được từ đại dịch này. Các nhà khoa học nói với chúng tôi và chúng tôi sẽ làm như vậy. Tôi xin cảm ơn bà con về sự kiên nhẫn và chịu đựng.
Tất cả những ai ở nhà lúc này, hạn chế tối đa tiếp xúc nếu có thể, tôn trong quy chế, chính là đã làm những điều đúng và tích cực. Bà con cũng làm những điều tốt đẹp nếu trong hoàn cảnh khó khăn này có những ý tưởng để giúp đỡ người khác.
Đúng, chúng ta phải giữ khoảng cách, nhưng điều đó không ngăn cản được chúng ta viết một lá thư, làm một cuộc gọi điện thoại, nói qua skype, mua giúp đồ ăn hay chuyển tải qua mạng những buổi hòa tấu nhạc tại gia, để qua đó truyền đi sự gần gũi, sự cảm thông và tình đoàn kết của chúng ta. Tất cả những điều này giúp chúng ta cùng nhau vượt qua thời gian này.
Rồi sẽ đến một „ngày sau đó“. Hay tiếp dòng suy nghĩ về Phục sinh: Sẽ lại có dịp Lễ phục sinh khác, ngày mà chúng ta có thể không hạn chế lời chúc nhau Lễ phục sinh vui vẻ. Khi nào đến một ngày „sau đó“ và cuộc đời sẽ lại tốt đẹp như xưa, điều này hoàn toàn nằm trong tay chúng ta.
Đồng lòng chúng ta có thể giúp cho đất nước mình tìm ra con đường thoát khỏi khủng hoảng này. Và đó là điều cần tất cả chúng ta ngay bây giờ“
Người dịch: Nguyễn Hữu Tráng (Ảnh bìa từ FB)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *