Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là chủ trương nhất quán của Việt Nam

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
11/12/2023 | 23:31
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là chủ trương nhất quán của Việt Nam

Ngay sau khi thành lập ngày 24/10/1945, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” vào ngày 10/12/1948. Bản Tuyên ngôn với 30 điều khoản ngắn gọn là nền tảng cho bộ luật Nhân quyền quốc tế, gồm hai Công ước cơ bản về quyền con người (Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 1966.

Năm 1950, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết 423 (V), tại phiên họp thứ 317, chính thức kêu gọi mọi quốc gia thành viên và các tổ chức quan tâm kỷ niệm ngày 10/12 - Ngày Nhân quyền (Human Rights Day) - bằng các phương thức khác nhau. Hàng năm, Ngày Nhân quyền 10/12 được kỷ niệm ở nhiều quy mô khác nhau tại khắp nơi trên thế giới. Nhân ngày này, nhiều tổ chức và các cá nhân bảo vệ nhân quyền cũng thường ra tuyên bố, thông cáo trình bày quan điểm.

Tại Việt Nam, các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ được quy định và thể hiện ngay trong bản Hiến pháp năm 1946 - trước khi Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế được thông qua năm 1948. Tuy nhiên, trong các bản Hiến pháp sau này, từ Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Việt Nam luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Theo đó, những tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng cố và phát triển, đời sống của người dân ngày càng thay đổi và được nâng cao. Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người như: Công ước về quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước chống tra tấn về các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người… Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2023 - 2025) đã thể hiện mong muốn trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người.

Đặc biệt, ngày 3/4/2023, tại Trụ sở Văn phòng LHQ tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo, với sự tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết của 98 nước (tính đến cuối giờ chiều 3/4/2023, giờ Geneva), bao gồm 14 nước nòng cốt (Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha), 34 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, các nước phương Tây và nhiều nước đang phát triển từ cả 5 nhóm khu vực, trong đó có hầu hết các nước ASEAN.  Việc Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua nghị quyết là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Nguồn: CTV Hải Khánh Ảnh minh họa: Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >