Trường Đại học Potsdam bồi dưỡng về đào tạo giáo viên cho đoàn chuyên gia giáo dục Việt Nam

Đăng bởi:
05/10/2015 | 21:21
Chuyên mục: Sự kiện cộng đồng
0 bình luận
Trường Đại học Potsdam bồi dưỡng về đào tạo giáo viên cho đoàn chuyên gia giáo dục Việt Nam

Trong khuôn khổ của Dự án phát triển Trung học phổ thông giai đoạn 2, với sự tài trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), từ ngày 20.09.2015 - 03.10.2015 đoàn cán bộ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham gia khóa bồi dưỡng „Xây dựng trung tâm phát triển năng lực sư phạm“ tại Trường Đại học Potsdam.

Khóa bồi dưỡng gồm 15 thành viên, chủ yếu là các nhà khoa học, các giảng viên từ các trường đại học khác nhau, đại diện cho các vùng miền của cả nước, như Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Tây Nguyên Trường Đại học Sư phạm TP HCM và Trường Đại học Cần Thơ.

Ngày 21.09, Prof. Dr. Andreas Musil, Phó hiệu trưởng và Dr. Roswitha Lohwaßer Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo giáo viên và nghiên cứu sư phạm của Trường Đại học Potsdam đã khai mạc khóa bồi dưỡng, giới thiệu mô hình đào tạo giáo viên Potsdam và mô hình Trung tâm đào tạo giáo viên và nghiên cứu giáo dục của trường.

Foto2

Dr. Andreas Musil, Phó hiệu trưởng khai mạc khóa đào tạo (ngồi đầu bàn bên phải)

Trên bình diện quốc tế, các trung tâm phát triển năng lực sư phạm có các tên gọi khác nhau, tên tiếng Anh phổ biến là „Center for Excellence in Teaching and Learning“ (CETL). Ở Đức, các trung tâm này có tên gọi phổ biến là „Trung tâm đào tạo giáo viên“ (Zentrum für Lehrerbildung). Các Trung tâm đào tạo giáo viên có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo và phát triển chất lượng đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành.

Foto3

Tìm hiểu về Trung tâm đào tạo giáo viên

Trong khóa bồi dưỡng, đoàn đã được giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cũng như quy trình thành lập các Trung tâm đào tạo giáo viên. Đây là một đơn vị tổ chức phi tập trung chung của các khoa, là đơn vị đầu mối, cùng các khoa chịu trách nhiệm tổng thể về đào tạo giáo viên cũng như nghiên cứu giáo dục trong trường Đại học. Đoàn cũng trao đổi kinh nghiệm về những hoạt động của Trung tâm đào tạo giáo viên. Bộ Test giúp sinh viên xác định sự phù hợp nghề trước và trong khi học đại học được các thành viên trong đoàn đặc biệt quan tâm.

Foto4

Thảo luận về xác định sự phù hợp nghề

Đoàn cũng làm việc với Bộ Giáo dục, Thanh thiếu niên và Thể thao Bang Brandenburg. Tại đây, đoàn được giới thiệu về việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Đào tạo giáo viên ở Đức được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là đào tạo đại học, bao gồm bậc cử nhân (3 năm) và bậc thạc sỹ (2 năm). Giai đoạn 2 là đào tạo giáo viên tập sự (dịch vụ chuẩn bị) kéo dài 18 tháng và giai đoạn 3 là bồi dưỡng giáo viên thường xuyên trong quá trình hành nghề.

Foto5

Làm việc tại Bộ Giáo dục, Thanh thiếu niên và Thể thao Bang Brandenburg

Trong khóa bồi dưỡng, các chuyên gia giáo dục Việt Nam cũng có cơ hội tìm hiểu và thảo luận với các đồng nghiệp tại Đai học Công nghệ Berlin và Đại học Tự do Berlin về mô hình Trung tâm đào tạo giáo viên của các trường đại học này.

Ngoài ra đoàn cũng thăm trường Barnim Gymnasium tại Berlin. Hiệu trưởng nhà trường, ông Schmidt-Ihnen giới thiệu về hệ thống trường phổ thông ở Berlin. Tiếp đó, đoàn đã dự giờ các môn học như Tiếng Anh, Tin học và Vật lí theo từng nhóm nhỏ. Các giờ học đều được thực hiện với các phương pháp dạy học hiện đại, phát huy tính tích cực của học sinh, định hướng phát triển năng lực.

Foto6

Thăm trường Barnim Gymnasium

Trong suốt khóa bồi dưỡng, mặc dù chương trình làm việc khá dày đặc, nhưng các thành viên trong đoàn đều rất hứng thú, tích cực thảo luận và đặt nhiều câu hỏi với các đồng nghiệp Đức. Đoàn làm việc đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp với cơ sở bồi dưỡng và các đồng nghiệp Đức.

Bên cạnh chương trình làm việc, sau giờ học và thời gian cuối tuần, đoàn cũng có cơ hội thăm quan các danh lam nổi tiếng tại Potsdam và Berlin.

Foto7

Thăm Nhà Quốc hội Đức

Kết thúc khóa bồi dưỡng, các thành viên trong đoàn đã có những thảo luận và thu hoạch sâu sắc với nhiều ý tưởng vận dụng những kinh nghiệm giáo dục Đức và quốc tế trong việc đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tại Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >