TỰ TRANG TRẢI CHI PHÍ TẠI ĐỨC; KHẢ THI KHÔNG
Với bài viết này mình không muốn làm nhụt chí của các bạn mà chỉ muốn nêu ra hết những khó khăn khi các bạn sang Đức học trong tình trạng tài chính eo hẹp. Nếu sau khi đọc bài viết và các bạn cảm thấy sức mình có thể, vậy đừng ngại dấn thân vào một con đường phiêu lưu mới của tuổi trẻ.
Còn nếu bạn nghĩ rằng mình không đủ sức, vậy cũng không sao cả. Có thể tìm cách học tốt trong nước rồi sau này xin học bổng đi học bậc Thạc sĩ. Mỗi người một khả năng và sức chịu đựng, sức bền khác nhau. Nhưng mình mong các bạn tự xác định được mục tiêu và sức lực của mình. Đừng để sang đến nơi rồi ngã ngửa và đi về.
Chi phí cơ bản cho cuộc sống tại Đức:
Nhà ở: 250-350 € 1 tháng (đã tính cả tiền Internet) Nếu may mắn vào được kí túc xá thì có phòng chỉ khoảng 200€ Bảo hiểm: Hiện tại bảo hiểm công rơi vào cỡ 90€ ZDF: 17,5€ Semesterbeitrag + vé tàu: Rơi vào cỡ 300€ 1 kì (tùy trường nhưng mình lấy giá trung bình) tức 50€/1 tháng Tiền ăn: 100€ – 150€ Tiền tiêu vào những vật dụng gia đình hoặc học tập: 20-30€ Trung bình hàng tháng mất khoảng 550€ (với điều kiện không mua sắm quần áo, điện thoại vv..vv..)
Đi làm năm đầu: Học tiếng và STK
Vấn đề là thế này, năm đầu tiên sang Đức các bạn chỉ có thể đi làm vào kì Ferien với điều kiện đỗ STK. Nhưng mình quen rất ít người mới sang đã đỗ ngay lần đầu thi STK mà thường phải chờ 6 tháng để học thêm tiếng. Vậy là 6 tháng đầu tiên đã không được đi làm thì chớ còn phải trả thêm tiền để học tiếng. Và vì chưa là sinh viên nên phải tự mua vé tàu trong thành phố khá đắt với giá vào khoảng 70€/1 tháng.
Vào STK rồi thì học hành cũng chẳng vất vả gì mấy nhưng lại không được đi làm. Nghỉ đông 2 tuần cũng khó mà làm được vì chẳng chủ nào muốn thuê 2 tuần cả, rất hiếm. Chỉ có kì nghỉ hè là làm được thôi. Nghỉ hè nếu bạn xin đi làm được vollzeit tức là làm 8 tiếng một ngày và 5 ngày một tuần trong cả 3 tháng thì mình tính sơ sơ nhé.
Lương 9€ 1 giờ, ngày 8 tiếng và 1 tháng làm trung bình 22 ngày (giả sử xin được việc cho công ty ở Đức).
9 x 8 x 22 x 3 = 4752€
Ồ, 3 tháng là đủ nửa năm rồi. Nhưng đừng vội mừng vì bạn phải đóng thuế nữa. Trong phần Abzüge có phần Rentenversicherung (Bảo hiểm hưu trí). Phần này cuối năm bạn có làm đơn cũng không được trả lại (theo như hiểu biết từ lần mình hỏi người làm ở tư vấn thuế)
Nhưng dù sao thì 4752€ cũng không đủ để bù vào số bạn đã tiêu trong 1 năm và chuẩn bị cho lần gia hạn tiếp theo.
Tiểu kết: Nếu bạn giỏi tiếng Đức và đủ may mắn thì năm đầu học STK bạn có thể kiếm tối đa khoảng 5000€ (trong trường hợp bạn kiếm thêm được việc dịp giáng sinh – năm mới). Còn nếu bạn phải học từ 6 tháng đến 1 năm học tiếng thì chuyện tài chính cực kì đau đầu. Mình thấy ít nhất phụ huynh cần có khả năng chi trả cho 2 năm. 1 lần 8640€ chứng minh tài chính ở VN và lần 2 để chứng minh tài chính khi gia hạn lần đầu tại Đức.
Đi làm những năm tiếp theo: Uni và FH
Mình giả sử nhé, bạn thi đỗ STK ngay lần đầu và học trong 1 năm là xong. Sau đó ngay lập tức được học luôn tại đại học. Lúc này bạn cầm 8640€ bố mẹ cho lần 2 kia, mang đi gia hạn. Khi ấy giấy phép cư trú cho phép bạn làm việc tối đa 120 ngày vollzeit hoặc 240 ngày halbzeit cũng như công việc studentische Hilfskraft (việc này làm trong Uni và không bị tính vào số ngày nêu trên).
Lúc này việc đi làm tùy thuộc hoàn toàn vào Uni của bạn sắp xếp các Angebot với thời gian biểu ra sao. Năm đầu tiên của mình khá là thảm vì ngày nào cũng học từ 8 giờ sáng đến 4 giờ hoặc 6 giờ chiều. Khó khăn lắm mình mới tìm được việc làm buổi tối, 2 ngày 1 tuần, mỗi buổi 3 tiếng. Thời điểm ý lương tháng là 250€. Vẫn không đủ để chi trả trong 1 tháng.
Nhưng còn nếu như bạn sắp xếp được để 1 tuần có 2 ngày trống hoàn toàn thì bạn đi làm cả 2 ngày vollzeit 8 tiếng, một tuần 16 tiếng, thì một tháng khoảng 570€ brutto, bị trừ đâu đó cỡ 50-60€ tiền Rentenversicherung nữa là bạn còn 520€. Miễn cưỡng thì đủ chi phí 1 tháng. Nhưng nếu chẳng may có chi phí phát sinh gì là thôi cũng mệt. Vào kì nghỉ bạn xin làm thêm nhiều giờ, miễn sao tiền lương brutto trong năm không vượt quá 8672€ thì bạn có thể xin lại thuế vào cuối năm (nhưng không có phần Renten đâu).
Chắc đến đây nhiều bạn nghĩ ok, vậy là quá đủ rồi. Nhưng mà phần quan trọng lại nằm ở phía sau. Nếu bạn đi làm 2 ngày liên tiếp vollzeit vào đầu hoặc giữa tuần thì những ngày sau quá mệt mỏi và không muốn đi làm học tiếp. Nếu làm vào thứ 5, thứ 6 thì cuối tuần chỉ muốn nghỉ ngơi. Mình hiện tại một tuần làm thứ ba 8 tiếng và thứ tư 11 tiếng. Mình thật sự chỉ cầu mong đến lúc hết hợp đồng của 1 Job (vào cuối năm nay) để được nghỉ. Nó quá mệt. Mình thậm chí chỉ có 20 phút để ăn trưa. Và thường xuyên về nhà vào lúc tối muộn.
Mình có thể post thời gian biểu của mình lên đây để các bạn xem lịch học và làm.
stundenplan-5-semester
Về cơ bản thì gần như không có thời gian nghỉ trừ cuối tuần. Nhưng cuối tuần còn phải học bài. Uni mình đang học thường xuyên yêu cầu nộp Hausübung, Hausarbeit hoặc làm Testat vv..vv Có lúc mình chỉ muốn nghỉ hết việc đi thôi. 8 tiếng làm việc là thực sự làm ấy. Mình phải làm liên tục, không có phút nghỉ ngơi nào trừ 30 phút ăn và lúc đi vệ sinh. Bàn chân mình sau tuần đầu làm sưng phồng lên, có cả mụn nước vì phải đi giày bảo hộ và đứng cả ngày.
Kết luận:
Bố mẹ nên có khả năng chi trả ít nhất cho 2 lần chứng minh tài chính - Phải là người có sức khỏe tốt mới có thể làm được. Cực kì quyết tâm và cần có khả năng cân bằng việc học + làm. Chứ riêng chuyện áp lực tài chính đè nặng thì đã đủ Stress rồi. Chưa kể đến việc học ở Đức vừa khó, vừa nhiều nội dung cần tự học nữa.
Chúc các bạn có đủ quyết tâm, thể lực, khả năng học tập tại Đức. Hẹn gặp lại vào một ngày nào đó trên đất Đức.
Nguồn: Nước Đức - Theo Hỗ Trợ Sinh Viên (Ảnh bìa: FB Mai Son Nguyen)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *