Tương lai không còn 'ô nhiễm trắng'
“Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".
Đây là chia sẻ của anh Nishshanka De Silva, một nhà tư vấn công nghệ ở Sri Lanka. Cũng như nhiều quốc gia khác, Sri Lanka đang phải vật lộn với lượng rác thải nhựa khổng lồ. Theo thống kê, mỗi ngày nước này thải ra môi trường tới 20 triệu túi nhựa, và gần như toàn bộ trong số này không thể tái sử dụng hay tái chế.
Với mong muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa ngày càng nghiêm trọng, năm 2021, anh Nishshanka đã khởi xướng Phong trào không nhựa (ZeroPlastic Movement), nhằm huy động tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ, tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng nhựa. Giữa cuộc khủng hoảng kinh tế, khi người dân Sri Lanka chật vật vì thiếu điện và phải xếp hàng nhiều giờ để mua nhiên liệu, với nhiều người khi đó, rác thải nhựa chưa phải là vấn đề cấp bách nhất. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm, ZeroPlastic đã phát triển thành một trong những phong trào xanh quan trọng nhất ở Sri Lanka. Từ 25 tình nguyện viên ban đầu, giờ đây phong trào có trên 10.000 tình nguyện viên. Thông qua giáo dục, tuyên truyền, vận động chính sách và hành động để giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, cũng như ủng hộ các giải pháp thay thế nhựa, phong trào ZeroPlastic được coi là ngọn hải đăng hy vọng hướng đến việc tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa.
Planet vs. Plastics (tạm dịch Hành tinh và nhựa) cũng là chủ đề của Ngày Trái Đất (22/4) năm nay, nhằm nâng cao nhận thức về tác động của ô nhiễm nhựa, còn gọi là "ô nhiễm trắng" đối với sức khỏe con người và môi trường. Theo Mạng lưới Ngày Trái Đất, nhựa đã vượt ra ngoài vấn đề môi trường, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và đáng báo động như biến đổi khí hậu. Sản lượng nhựa trong 10 năm qua đã cao hơn so với sản lượng của cả thế kỷ XX và hiện đã tăng lên mức 400 triệu tấn mỗi năm.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần. Nhựa góp phần giúp cuộc sống của con người dễ dàng hơn, song mỗi mảnh nhựa từng được tạo ra vẫn tồn tại cho đến ngày nay và sẽ tiếp tục tồn tại ít nhất 500 năm nữa. Kể cả khi phân hủy, nhiều hóa chất độc hại trong các hạt vi nhựa vẫn len lỏi vào nguồn thực phẩm và nước, lưu thông trong không khí. Hạt vi nhựa được tìm thấy ở bất cứ đâu, từ những nơi nguyên sơ nhất như dãy Himalaya hay Bắc Cực, cho đến trong nhau thai, trong tim, máu và cả não người.
Nhựa còn liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đặc biệt, các nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước hạt vi nhựa và phụ gia nhựa. Việc tiếp xúc với hạt vi nhựa có thể tác động tới sự phát triển thần kinh, hệ thống miễn dịch và các chức năng quan trọng khác, thậm chí gây hại cho sức khỏe sinh sản của trẻ sau này. Tuy nhiên, con người không phải là những sinh vật duy nhất đối mặt với những nguy cơ từ ô nhiễm nhựa. Ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu sinh vật biển chết do ăn hoặc vướng phải nhựa.
Theo bà Kathleen Rogers, Chủ tịch Mạng lưới Ngày Trái Đất: “Sản phẩm nhựa mà con người tiêu thụ đang chảy trong chính dòng máu của chúng ta, bám vào các cơ quan nội tạng và mang theo các kim loại nặng gây ra bệnh ung thư và nhiều bệnh khác. Sức khỏe của nhân loại cũng như tất cả các sinh vật sống khác đang ở trên bờ vực".
Hơn thế nữa, nhựa chắc chắn đang thúc đẩy biến đổi khí hậu. Hơn 90% nhựa được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và 4% tổng lượng khí thải nhà kính được tạo ra liên quan đến việc sản xuất, chuyển đổi và quản lý chất thải nhựa. Theo các chuyên gia, lượng khí thải liên quan đến nhựa được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2060.
Trong khi đó, kết quả tái chế nhựa của nhân loại lại hết sức khiêm tốn. Vì nhiều lý do như cơ sở hạ tầng kém, thách thức kỹ thuật, thiếu động lực và nhu cầu thị trường thấp, thực tế chỉ có từ 5-9% nhựa trên toàn cầu được tái chế. Phần còn lại được xử lý trong các bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác. Theo UNEP, ước tính khoảng 79% thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác.
Trước những thách thức này, chủ đề của Ngày Trái Đất lần thứ 54 kêu gọi chung tay hành động ngay lập tức để chấm dứt hiểm họa về nhựa và bảo vệ sức khỏe của mọi sinh vật trên hành tinh. Nhấn mạnh cam kết chung trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa, Ngày Trái Đất 2024 đề xuất giảm mạnh 60% sản lượng nhựa toàn cầu vào năm 2040, hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một tương lai không có ô nhiễm nhựa, đồng thời ủng hộ việc nghiên cứu các giải pháp táo bạo, sáng tạo và đổi mới. Để đạt mục tiêu này, Ngày Trái Đất năm nay kêu gọi đưa cam kết loại bỏ dần nhựa dùng 1 lần vào năm 2030 vào Thỏa thuận Nhựa toàn cầu của Liên hợp quốc, văn kiện ràng buộc pháp lý để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trên phạm vị toàn cầu.
Chỉ 1 ngày sau Ngày Trái Đất 2024, các đại biểu từ trên 170 quốc gia trên thế giới sẽ tập trung tại thủ đô Ottawa của Canada, tham dự Phiên họp thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) về ô nhiễm nhựa, nhằm thúc đẩy việc xây dựng thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024, dựa trên tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa. Bà Jyoti Mathur-Filipp, Thư ký điều hành của INC khẳng định: “Cả con người và hành tinh đều đang phải chịu tổn thất nặng nề do ô nhiễm nhựa. Phiên đàm phán này có ý nghĩa then chốt, và là cơ hội để đạt được tiến bộ đáng kể cho một thỏa thuận mạnh mẽ cho phép các thế hệ tương lai sống trong một thế giới không có ô nhiễm nhựa.”
Trong khi các chính phủ xây dựng một thỏa thuận toàn cầu nhằm giải phóng con người và hành tinh khỏi "ô nhiễm trắng", hành động của cá nhân thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm sản phẩm nhựa cũng góp phần nuôi dưỡng, thay vì hủy hoại ngôi nhà chung của chúng ta. Chỉ khi cùng đoàn kết trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, chúng ta mới có thể mang đến hành tinh xanh mạnh khỏe cho các thế hệ mai sau.
Nguồn: Viet-bao.de theo Phương Thịnh (TTXVN)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *