TUYẾT LẠNH BAO PHỦ NƯỚC ĐỨC

Đăng bởi:
07/01/2016 | 22:48
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
TUYẾT LẠNH BAO PHỦ NƯỚC ĐỨC

Năm 2016 ở Đức bắt đầu một cách lạnh lẽo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trước Giáng sinh có lúc nhiệt độ ngoài trời lên đến 16 độ như chuẩn bị lập xuân. Người đi chợ Weihnachten khá đông và bình yên nhưng ai cũng suýt soa giá mà có tý tuyết và lạnh hơn có phải hay hơn không. Nhưng khi trời đất chuyển sang năm mới cái lạnh ập về. Ở Berlin đêm giao thừa và mấy ngày đầu xuân có lúc âm 13 độ. Ai cũng co ro kêu „lạnh quá“ và lại hỏi „bao giờ ấm hơn“. Thật chẳng biết thế nào mà chiều lòng người.

Tin dữ bên ngoài ập đến đầu năm khiến ai cũng nghĩ năm nay chắc lại là một năm bất ổn: thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo khiến bóng ma của bong bóng xà phòng TQ càng hiện hữu; Ả rập Xê-út tử hình một lúc 47 người trong đó có cả lãnh tụ tôn giáo dòng Si-ít khiến I-ran „nổi giận“ và đòi một cuộc „thánh chiến“. Nhìn hình ảnh người dân Teheran đập phá ĐSQ Ả rập Xê út ở Teheran mà lo ngại, giống cảnh năm 1979 đập phá ĐSQ Mỹ. Liệu vùng Vịnh có yên ổn khi hai „ông lớn“ khu vực tranh giành ảnh hưởng? Lo ngại nhất là cả Trung Quốc, Ả rập Xê út và I-ran đều là những đối tác và bạn hàng lớn của Đức. Giới chính trị thì lo ngại hai ông bạn ở Trung đông hục hoặc thì lấy ai làm đồng minh trong cuộc chiến chống IS.

Giới kinh tế Đức lo ngại nhất thị trường khổng lồ Trung Quốc sụp đổ kéo theo hàng loạt các dự án làm ăn khủng suy sụp theo vì riêng 30 tập đoàn lớn của Đức đăng ký tại thị trường chứng khoán Frankfurt (DAX) đã có đến 672 công ty con hoạt động ở TQ; 7% doanh thu của các doanh nghiệp Đức là từ thị trường này, trong đó từ 30 tập đoàn DAX lên đến 13,3%, Daimler 18,7%, Volkswagen thậm chí 32,2%. Ả rập Xê út là khách hàng lớn mua vũ khí của Đức, còn giới kinh tế Đức đang hy vọng là EU sớm dỡ bỏ cấm vận với I-ran và kim ngạch buôn bán hai chiều sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới lên đến 5 tỷ USD (hiện nay là 2,4 tỷ) và 5 đến 7 năm tới là 10 tỷ. Nếu tình hình bất ổn thì hóa ra „tính cua trong lỗ“ à.

Sáng nay tin dữ từ Mỹ là tư pháp nước này quyết định khởi tố điều tra hãng xe hơi hàng đầu của Đức Volkswagen vì gian lận trong việc thông báo chỉ số khí thải trong 600 ngàn xe VW bán vào Mỹ. Hiện VW đang án binh bất động chưa bầy tỏ quan điểm nhưng đằng sau đã dự tính con số tiền phạt và đền bù thiệt hại có thể lên đến 18 tỷ euro trên toàn thế giới. Cái mất lớn hơn là uy tín của ô tô „made in Germany“.

Ba lan vừa là láng giềng vừa là đối tác chiến lược quan trọng của Đức. Đức “nợ” Ba Lan nhiều từ chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong đó có cả “món nợ đạo đức” do Quốc xã gây ra. Vì thế mà mặc dù ái ngại trước diễn biến mới của Ba Lan sau khi Quốc hội nước này ban hành những đạo luật mà EU cho là “hạn chế thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp”, “hạn chế tự do báo chí” v.v. và đòi thẩm tra lại tính “nhà nước pháp quyền” của Ba Lan, nhưng Chính phủ Đức tỏ ra khá dè dặt bầy tỏ quan điểm.

Ở trong nước cũng xẩy ra nhiều chuyện không lành. Đầu tiên là thông tin khủng bố ở München đúng vào đêm giao thừa khiến người dân không được tụ tập đốt pháo hoa chào mừng năm mới. Tiếp đó là tại đêm giao thừa ở Köln đã xẩy ra hiện tượng mà giới chức thành phố này gọi là “kinh khủng” và “tội phạm chưa có tiền lệ” khi 1000 thanh niên (mà hầu hết nhân chứng đều nói là nhìn hình thức bên ngoài có vẻ là người Ả rập hay châu Phi) trong tình trạng ngà ngà say đã “sờ soạng” phụ nữ, ăn cắp, giật đồ và có một vụ hiếp dâm đã xẩy ra. Hiện cảnh sát nhận được gần trăm đơn tố cáo của chị em. Các vụ đánh lộn trong các khu tiếp nhận tạm thời người tỵ nạn xẩy ra liên tục. Ở Berlin cũng xẩy ra vụ cướp ngày nhằm vào phụ nữ.

“Người tỵ nạn” vẫn là câu chuyện nóng và chi phối xã hội cũng như chính trường Đức hiện nay. Đã có đợt bầu chọn “câu nói của năm” 2015. Các từ được nhắc đến nhiều nhất là “tỵ nạn” (“Flüchtling”), “chúng ta làm được” (“wir schaffen das”), “Khu vực quá cảnh” (“transitzone”), “phân bổ cô-ta” (“Flüchtlingsverteilung”), “giới hạn trần” (“Obergrenzen”). Vừa qua Thủ tướng Đức Angela Merkel được báo Mỹ và Pháp bầu chọn là “người của năm”, “người quyền lực nhất thế giới”, nhưng trong nước thì lúc thăng, lúc trầm với nhiều thành công và thất bại. Năm qua là năm “thử thách” của bà Merkel nói riêng và của Liên minh cầm quyền hiện nay nói chung. Tựu trung lại cũng loanh quanh mấy “câu nói của năm” (“Wort des Jahres”) ở trên.

Không ai ngờ câu chuyện của 25 năm trước ở Đức khi dòng người Đông Đức bỏ lại nhà cửa, công việc sau lưng, chạy bộ qua biên giới Áo-Hung, hay dòng người đổ bộ vào ĐSQ Tây Đức ở Praha, Budapest đã tạo ra một “cuộc bỏ phiếu bằng chân” khiến Cộng hòa dân chủ Đức (DDR) sụp đổ ngay sau đó, lại là nỗi ám ảnh lớn nhất của một người cũng vốn là công dân DDR - bà Merkel. Bà Merkel đã mạo hiểm “một mình chống lại cả châu Âu” như bình luận của các chính trị gia đông Âu trong EU khi quyết định mở cửa đón người tỵ nạn Sy-ri với chính sách “Willkommenspolitik” (vừa qua có tin vì việc này có khi bà Merkel được đề cử giải Nobel hòa bình 2015). Khi người tỵ nạn ồ ạt tràn vào khiến các cơ sở tiếp nhận quá tải, chính quyền địa phương bất lực, nội bộ Đảng CDU và các đảng khác trong liên minh cầm quyền yêu cầu cần điều chỉnh chính sách, thì bà Merkel vẫn một mực “chúng ta làm được”! Tại Đại hội Đảng vừa qua bà Merkel đã thuyết phục được toàn đảng hậu thuẫn cho chính sách này của bà, mặc dù trước đại hội có nhiều tiếng nói phản đối. Người ta nói trong CDU bà có vai trò của một thủ lĩnh, người cầm lái mà chưa có một chủ tịch đảng hay thủ tướng Đức nào làm được, kể cả Konrad Adenauer hay Helmut Kohl.

Thủ lĩnh Đảng dân chủ xã hội SPD đồng thời là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng trong nội các của bà Merkel yêu cầu phải lập ra những “khu vực quá cảnh” để tiếp nhận, phân loại và xử lý hồ sơ; chỉ những người được công nhận tỵ nạn mới được vào các trung tâm tiếp nhận ở trong nước, người nào không đáp ứng điều kiện thì có thể trục xuất ngay tại cửa khẩu. Đảng này giữ quan điểm của mình căng đến mức có lúc tưởng Chính phủ đại liên minh CDU/CSU/SPD tan vỡ đến nơi. Cuối cùng bà Merkel cũng “hóa giải” được nút thắt này chỉ sau một cuộc họp. Hai đảng lớn đều hài lòng với việc không lập “khu vực quá cảnh” mà thay vào đó là lập các “trung tâm tiếp nhận tạm thời”. Bản chất thì vẫn vậy, chỉ có cái tên gọi là khác thôi.

Đảng “chị em” (Schwesterpartei) của CDU là CSU cầm quyền ở bang Bayern luôn gây khó chịu với bậc đàn chị khi ông Seehofer Chủ tịch Đảng luôn công kích chính sách tỵ nạn của bà Merkel. CSU yêu cầu phải giới hạn số lượng tối đa người tỵ nạn mà Đức có thể tiếp nhận mà ông gọi là “giới hạn trần”. Chỉ như vậy thì mới có điều kiện hội nhập những người này, chứ để như hiện nay không kiểm soát được người ra vào Đức. Tại đại hội đảng CSU ông đã làm “bẽ mặt” bà Chủ tịch CDU bằng cách để bà Merkel “đứng đực” trên sân khấu 15 phút nghe ông nói về giới hạn trần mặc dù biết bà Merkel luôn bác bỏ điều đó. Đến khi làm khách của đại hội đảng CDU sau đó ông lại tỏ ra ngoại giao hơn, không đề cập trực tiếp mà chỉ gián tiếp nói số lượng hơn một triệu người tỵ nạn trong năm 2015 là quá tải với Đức.

Mở đầu năm 2016 này ông Seehofer lại mở đợt “tấn công” mới khi ông đưa ra con số mà ông cho là giới hạn trần “200 ngàn người tỵ nạn một năm”. Mặc dù bà Merkel có lý khi nói rằng Hiến pháp Đức không quy định một giới hạn nào về số lượng người tỵ nạn (các luật gia Đức ủng hộ quan điểm này), nhưng không lẽ cứ “cứng nhắc” câu chữ như vậy và trên thực tế số lượng hơn triệu người tràn vào trong một năm là quá tải với bộ máy chính quyền cũng như đối với người dân Đức. Đã có dấu hiệu cho thấy bà Merkel sẽ dần điều chỉnh chính sách của mình. Tiếng nói chống lại hay không ủng hộ bà Merkel trong Liên minh cầm quyền xuất hiện ngày càng nhiều. Bà Merkel cũng thất bại trong việc thuyết phục các nước thành viên EU đưa ra giải pháp phân bổ đồng đều và công bằng người tỵ nạn. Điều này trái hẳn với uy tín của bà khi giải quyết khủng hoảng Hy Lạp vừa qua.

Trong những bài trước tôi đã tiên lượng châu Âu sớm muộn cũng sẽ trở lại với việc kiểm soát biên giới và tệ hại hơn là có thể xuất hiện những “bức tường Berlin” mới ở châu Âu. Hiệp ước Schengen về việc tự do đi lại giữa 26 nước EU đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì ngay ngày năm mới Thụy điển và Đan mạch đã thiết lập lại việc kiểm soát hộ chiếu tại cửa khẩu, năm ngoái các nước đông Âu cũng đã làm. Đức tuy chưa chính thức áp dụng nhưng tại các sân bay của Đức có nhiều nơi khách nhập cảnh vẫn buộc phải xuất trình hộ chiếu.

Hiệp ước Dublin và Schengen đưa ra điều kiện là phải kiểm soát biên giới vòng ngoài của EU chặt chẽ mới có thể bãi bỏ kiểm soát trong nội bộ các nước thành viên, tuy nhiên đang mất đi cơ sở pháp lý và thực tiễn của nó. Liên minh châu Âu đang mất dần đi sự đoàn kết, nhất trí trong những vấn đề cốt yếu và giấc mơ về “ngôi nhà chung châu Âu” đang ngày càng trở nên xa vời, nếu không muốn nói là “viển vông” như nhiều nhà bình luận đã viết./.

21505_1274500402567412_8237121406690873672_n

Ngày 5.1.2015 tuyết đã phủ khắp thủ đô Berlin

12507309_1274500819234037_4582466730209566240_n

Xe chuyên dụng phải đi xúc tuyết trên đường và dải muối cho tuyết tan

Bài: Nguyễn Hữu Tráng Ảnh; Thế Sáng

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >