VIỆT NAM ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC VÀO CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ G20

Đăng bởi:
04/07/2017 | 22:10
Chuyên mục: Sự kiện cộng đồng
0 bình luận
VIỆT NAM ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC VÀO CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ G20

Nhân chuyến thăm làm việc tại Đức và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Berlin đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Đức, về chuyến thăm của Thủ tướng, tiềm năng hợp tác giữa hai nước cũng như đóng góp của Việt Nam vào chương trình nghị sự G20 trên cương vị nước chủ nhà Năm APEC 2017.

Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Đức và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 từ ngày 5-8/7 trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước rất tốt. Chuyến thăm này là để đáp lại lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) tại Nhật Bản, diễn ra chỉ một tháng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức vào tháng 4/2016, cũng như tại cuộc gặp sau đó trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEM ở Mông Cổ.

Đại sứ nhấn mạnh ý nghĩa nổi bật của chuyến thăm này là đích thân nhà lãnh đạo Đức đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang thăm rất sớm, trong khi thông thường những chuyến thăm này phải sắp xếp trong thời gian rất dài.

Cho đến nay hai bên đã thu xếp một chương trình dày đặc các hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp và hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, cũng như một loạt các cuộc gặp với lãnh đạo nhiều bang của Đức, Thị trưởng thủ đô Berlin, Thị trưởng thứ nhất của thành phố Hamburg và Thủ hiến bang Hamburg.

Ngoài ra, Thủ tướng sẽ tham dự một diễn đàn doanh nghiệp lớn tại Berlin, gặp gỡ một số doanh nghiệp lớn của Đức đang mong muốn làm ăn tại Việt Nam. Thủ tướng cũng sẽ dành một buổi để gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đông đảo bà con cộng đồng người Việt tại Đức. Chương trình rất khẩn trương và có nhiều nội dung thiết thực, vừa thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước, đồng thời thể hiện sự đóng góp của Việt Nam trong tiến trình quốc tế, nhất là thông qua Hội nghị thượng đỉnh G20.

[Việt Nam tham gia “Định hình một thế giới kết nối” cùng G20]

Đánh giá về những kết quả và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Đức, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhận định sau hơn năm năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, quan hệ giữa Việt Nam và Đức đã phát triển rất tốt. Đức đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), trao đổi thương mại giữa hai nước đạt trên dưới 10 tỷ USD và nhiều lĩnh vực hợp tác đã có những kết quả cụ thể.

Trong những năm qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp, các bộ ngành và địa phương Đức quan tâm tới Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những địa chỉ hàng đầu về tiềm năng kinh doanh. Các du khách Đức hiện coi Việt Nam là một trong địa chỉ du lịch ưa thích. Cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực khác cũng đang mở ra rất nhiều.

Tuy nhiên Đại sứ tin tưởng tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn và trải rộng trên tất cả mọi lĩnh vực. Đức là nền kinh tế thứ tư thế giới với GDP khoảng 3.360 tỷ USD trong năm 2015, đồng thời là nền kinh tế hàng đầu thế giới về buôn bán với các nước khác với kim ngạch thương mại trên 2.400 tỷ USD.

Đức cũng là nước đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay, đặc biệt là trong sản xuất công nghệ nguồn và năng lượng tái tạo, có kinh nghiệm rất lớn trong đào tạo nguồn nhân lực cũng như là một thị trường lớn về du lịch và môi trường. Những thế mạnh của Đức cũng chính là những lĩnh vực đang cần cho sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam.

Ngược lại, Việt Nam cũng có những thế mạnh mà Đức quan tâm. Đức coi Việt Nam là một nền kinh tế năng động, duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% trong tình hình kinh tế của khu vực và thế giới khó khăn trong thời gian qua và thậm chí có thể đạt 6,5-6,7% trong năm nay. Đức coi trọng lực lượng dân số trẻ, cần cù, siêng năng và có ý chí phát triển đất nước của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được coi là nền kinh tế đi đầu trong khu vực về hội nhập quốc tế và sẵn sàng đối mặt thách thức để hội nhập với thế giới cùng phát triển. Đức cũng nhìn nhận Việt Nam là thị trường du lịch đầy tiềm năng, hai nước có sẵn nhiều kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt phía Đức đánh giá cao cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Đức hiện vào khoảng 176.000 người và trên dưới 100.000 người Việt Nam nói tiếng Đức đang sống ở Việt Nam, coi đây là một tiềm năng rất lớn cho sự hợp tác giữa hai nước.

Nhìn chung, sự bổ sung giữa hai nền kinh tế rất là lớn, Việt Nam tuy là nước nhỏ song có khả năng bổ sung đáng kể cho nền kinh tế Đức đang phát triển nhanh song lại thiếu nguồn nhân lực, ngược lại phía Đức có thể hỗ trợ Việt Nam trong phát triển công nghệ. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này sẽ có đóng góp rất ý nghĩa cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Đại sứ kỳ vọng thông qua các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo Đức, hai bên sẽ hiểu nhau hơn và sẽ có những cam kết mạnh mẽ trong hợp tác.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Đức, đang rất quan tâm tới Việt Nam, cũng mong nhận được những đảm bảo và thông điệp mạnh mẽ từ Thủ tướng để tạo thành xung lực mới cho hợp tác song phương. Tuy nhiên, Đại sứ lưu ý rằng hợp tác với Đức không nên chỉ tập trung ở cấp độ chính quyền trung ương. Đức hiện có 16 bang, mỗi bang của Đức có thể coi là một nền kinh tế rất có ý nghĩa, thậm chí có bang nền kinh tế gấp 2-3 lần GDP của Việt Nam và đã cử đoàn đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác. Do đó chuyến thăm Đức lần này của Thủ tướng, bên cạnh các cuộc gặp với lãnh đạo trung ương thì cuộc gặp với lãnh đạo các bang của Đức cũng mang ý nghĩa quan trọng và sẽ mang lại kết quả thiết thực.

[Doanh nghiệp Đức có nhiều thuận lợi để tăng đầu tư tại Việt Nam]

Về trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh G20, đặc biệt là những nội dung ưu tiên mà APEC 2017 và G20 2017 có thể phối hợp thực hiện, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết điều rất có ý nghĩa là lần này Việt Nam được Đức chủ động mời tham dự Hội nghị G20 và toàn bộ tiến trình G20 với tư cách nước chủ nhà của Hội nghị APEC 2017, cho thấy bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam trong các tiến trình quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này diễn ra trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về chính trị, an ninh và kinh tế quốc tế. Kinh tế thế giới đang phát triển tương đối tích cực song vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi xu hướng bảo hộ, chống lại toàn cầu hóa cũng đang đặt ra những thách thức cho phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, Hội nghị G20 năm nay đặt ra chủ đề chính là định hình một thế giới kết nối.

Có thể nói trọng điểm của G20 năm nay được chia ra ba chủ đề chính: thứ nhất là tăng cường tính tự cường của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế các quốc gia; thứ hai là bàn về vấn đề phát triển bền vững; và thứ ba là xử lý cũng như biện pháp xử lý các vấn đề của phát triển. Cả ba chủ đề này đều tập trung bàn đến những chính sách và biện pháp về xử lý.

Việt Nam đã xác định tham gia một cách tích cực và xây dựng vào các tiến trình của G20 và Hội nghị thượng đỉnh. Việt Nam ý thức G20 và APEC năm nay đối mặt với nhiều vấn đề tương đồng. Sự phối hợp của hai nước chủ nhà Việt Nam và Đức để cùng tìm ra giải pháp cũng như lôi kéo các nền kinh tế thành viên tham gia tìm kiếm giải pháp sẽ là động lực giúp hai hội nghị quốc tế quan trọng thành công, qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển của thế giới. Việt Nam đã tham gia tích cực và chủ động trong quá trình chuẩn bị cho G20 và nhận được đánh giá cao từ phía nước chủ nhà Đức.

Đại sứ cho rằng việc tham dự G20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm tìm giải pháp cho vấn đề chung, qua đó nâng cao uy tín, vai trò cũng như ảnh hưởng của Việt Nam trên thế giới./.

Nguồn: vietnamplus.vn - Ảnh bìa: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...