VIỆT NAM TRÚNG CỬ ỦY VIÊN KHÔNG THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HIỆP QUỐC VỚI SỐ PHIẾU KỶ LỤC
Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu kỷ lục trong 75 năm phát triển của LHQ, 192/193 phiếu.
Khoảng 22h20 (giờ Việt Nam), ngày 7/6, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bầu 5 nước Ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam là quốc gia duy nhất của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí này sau khi được 54 nước trong nhóm nhất trí để cử.
Kết quả đúng như dự đoán, Việt Nam giành được sự ủng hộ của 192/193 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên Đại hội đồng LHQ, vượt xa số phiếu cần thiết 129 phiếu, trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2012 đại diện Nhóm châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là số phiếu kỷ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của LHQ.
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tự hào thông báo tin vui trên Twitter cá nhân: "Việt Nam tự hào và vinh dự được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của một thành viên Hội đồng với khả năng tốt nhất của chúng tôi để đóng góp cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, các nhà ngoại giao Việt Nam và quốc tế đều đánh giá Việt Nam hoàn toàn xứng đáng cho vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đại diện cho Nhóm châu Á Thái Bình Dương bởi những đóng góp tích cực trong các hoạt động đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế.
Tầm quan trọng của Việt Nam trong an ninh quốc tế đã nổi lên từ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tháng 11/2017 khi Việt Nam tổ chức hết sức thành công sự kiện có sự tham gia của hàng loạt các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam được cả thế giới công nhận là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nền kinh tế của nước ta cũng đã có những tăng trưởng ấn tượng trong 20 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, Việt Nam đã có bước chuyển mình khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006. Tháng 10/2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 với 183/190 phiếu bầu.
Trong phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về chủ đề "Hòa giải và Giải quyết hòa bình tranh chấp", Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh Việt Nam tái khẳng định tầm quan trọng của các tổ chức khu vực trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Việt Nam đã có kinh nghiệm tại nhiệm kỳ đầu tiên với tư cách ủy viên không thường trực của cơ quan quyền lực nhất LHQ. Tại nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã để lại những đóng góp, dấu ấn quan trọng được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong 2 năm, Việt Nam bắt nhịp nhanh, tham gia đóng góp tích cực, chủ động và toàn diện trên tất cả các vấn đề của cơ quan quyền lực nhất LHQ. Việt Nam tham gia 1.500 cuộc họp, 2 lần làm Chủ tịch tháng của HĐBA, xây dựng Báo cáo năm về công việc của HĐBA; soạn thảo, thương lượng giúp HĐBA thông qua 1 Nghị quyết về phụ nữ và hòa bình an ninh.
Trọng tâm của sự cởi mở và hội nhập với thế giới là việc Việt Nam sẵn sàng giành được tiếng nói và vị trí nổi bật hơn tại LHQ. Đây là bằng chứng rõ rệt nhất trong những nỗ lực thành công gia nhập các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ đầu năm 2014. Năm 2018, Việt Nam cử bệnh viện dã chiến cấp II đầu tiên tới Nam Sudan với 63 y, bác sỹ quân y, đóng góp vào nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết xung đột, tạo dựng hòa bình ở các khu vực và trên thế giới.
Trên thực tế, việc trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA là mục tiêu của đại đa số nước thành viên LHQ. Riêng với Việt Nam, vị trí đặc biệt này sẽ tạo điều kiện giúp chúng ta tăng cường quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn thông qua việc tham gia thảo luận, đóng góp, quyết định các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, chiếc ghế Ủy viên không thường trực lại giúp chúng ta nâng vị thế trên trường quốc tế lên một tầm cao mới.
HĐBA LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi Hiến chương LHQ. Khác với 5 cơ quan còn lại, các quyết định của Hội đồng Bảo an có tính cưỡng chế thực hiện thay vì chỉ mang tính khuyến nghị. Vì vậy HĐBA là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ.
HĐBA có 15 thành viên với 5 ủy viên thường trực là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ cùng 10 ủy viên không thường trực được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới được bầu.
Điều đáng lưu tâm là so với 5 nước thành viên thường trực, các vị trí ủy viên không thường trực thậm chí còn được đánh giá cao hơn về uy tín do phải trải qua quá trình bỏ phiếu.
Nguồn: Phương Anh - Vtc.vn
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *