XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG ASEAN ĐOÀN KẾT, GẮN BÓ
Cộng đồng ASEAN được các nhà lãnh đạo Khối thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 9 tại Bali, Indonesia, tháng 10/2003 với 3 trụ cột: Cộng đồng An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-10 (Vientiane, Lào) tháng 11/2004, các nước ASEAN đã thông qua nhiều kế hoạch hành động xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN nói trên, cùng với Chương trình hành động Viêng -chăn (VAP) bao gồm nhiều hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Để hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng, ASEAN đã thông qua và đang tập trung triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, nhằm tăng cường kết nối khu vực trên cả 3 nội dung là kết nối hạ tầng cứng (giao thông vận tải); hạ tầng mềm (thể chế) và con người, hướng tới mở rộng kết nối ra toàn khu vực Đông Á; đồng thời tích cực thúc đẩy các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong Hiệp hội thông qua các Chương trình công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN.
Năm 2020, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, dự kiến Việt Nam sẽ chủ trì hơn 300 hoạt động ở các cấp khác nhau, rộng khắp ở các lĩnh vực và xuyên suốt 3 trụ cột của ASEAN. Trong đó, nổi bật là hai đợt Hội nghị Cấp cao: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Đà Nẵng vào tháng 4/2020 (hoãn do dịch Covid-19); Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị có liên quan tại Hà Nội (tháng 11/2020).
Ngoài hai đợt hội nghị cấp cao nêu trên, khoảng 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Tài chính, Bộ trưởng phụ trách về Tội phạm xuyên quốc gia, Bộ trưởng điều phối 3 trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội …sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong suốt năm 2020. Trong đó, quy mô nhất là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (tháng 8/2020). Một số hoạt động ngoại giao nhân dân khác cũng sẽ được Việt Nam đăng cai tổ chức, trong đó có Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF) dự kiến diễn ra vào quý III/2020.
Theo đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên cần thiết để xây dựng một Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng: Đoàn kết và thống nhất; lợi ích kinh tế; giá trị chung; quan hệ đối tác; năng lực thể chế.
Đoàn kết và thống nhất là chất keo dính quan trọng để xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng
Chặng đường 52 năm hình thành và phát triển của ASEAN đã cho thấy đoàn kết và thống nhất chính là chìa khóa mang lại thành công và sức mạnh cho ASEAN. Trong đó, sẽ đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Lợi ích kinh tế là chất keo kết dính thứ hai
Việt Nam sẽ cố gắng thúc đẩy những điểm đồng về lợi ích kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN như tăng cường liên kết kinh tế, trao đổi đầu tư và thương mại nội khối, đổi mới sáng tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Giá trị chung đóng vai trò là chất keo kết dính thứ ba để xây dựng một cộng đồng gắn kết
Việt Nam sẽ thúc đẩy tạo dựng các giá trị chung của ASEAN, nâng cao tinh thần công dân ASEAN cũng như nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng trong khu vực và trên thế giới.
Quan hệ đối tác là chất keo kết dính thứ tư
Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN không thể thiếu sự ủng hộ và đóng góp của các nước đối tác và tổ chức khu vực, quốc tế chứ không chỉ gắn kết nội khối với nhau. Việt Nam sẽ phải đẩy mạnh các cơ chế mà ASEAN tạo dựng cũng như dẫn dắt, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
Nâng cao năng lực thể chế là chất keo kết dính thứ năm
Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN thông qua cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.
Về xây dựng Cộng đồng kinh tế, ba định hướng chính được các nhà lãnh đạo ASEAN xác định là: Tập trung sức mạnh nội khối ASEAN thông qua liên kết khu vực; Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN kết nối các nước, nền kinh tế khác trên thế giới; Những ưu tiên để tăng cường hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Trong Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, các nước ASEAN chú trọng các ưu tiên như: gắn kết cộng đồng thông qua phát triển nguồn nhân lực, công tác xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế; tăng cường giao lưu văn hóa, nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN; thiết lập cơ chế hợp tác ASEAN đối với vấn đề tin tức giả mạo; thúc đẩy quản lý thảm họa, thiên tai và các hoạt động tình nguyện của thanh niên…
Các nhà lãnh đạo tin tưởng trong nhiệm kỳ chủ tịch, với vị thế và các sáng kiến của mình, Việt Nam nhất định sẽ dẫn dắt và thúc đẩy cộng đồng ASEAN đoàn kết, gắn bó và đạt được nhiều thành tựu mới./.
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *