TIN DỊCH BỆNH TẠI THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 10.6.2021

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
10/06/2021 | 21:10
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
TIN DỊCH BỆNH TẠI THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 10.6.2021

1 - VIỆT NAM: Trong ngày 10.6, Việt Nam ghi nhận thêm 219 ca mắc mới COVID-19 => Trong đó, ngoài 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Long An (4 ca), Tây Ninh (2 ca), Kiên Giang (1 ca), An Giang (1 ca); có 211 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (98), TP. Hồ Chí Minh (61), Bắc Ninh (38), Hà Tĩnh (5), Hà Nội (4), Tiền Giang (2), Lạng Sơn (1), Hải Dương (1), Long An (1).

Từ đầu dịch, Việt Nam có tổng cộng 8.165 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 6.595 ca và đã ghi nhận số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 55 ca. Số ca điều trị khỏi là 3.636 ca.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 1.899.644 mẫu cho 4.034.665 lượt người. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 418 ca.

Hiện có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

2 - TIN THẾ GIỚI: Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 10/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 175.264.542 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.779.164 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 158.794.544 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 613.516 ca tử vong trong tổng số 34.265.465 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 360.078 ca tử vong trong số 29.204.066 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 479.791 ca tử vong trong số 17.125.357 bệnh nhân.

Tình hình dịch bệnh ở châu Á vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong mới tiếp tục tăng, trong đó Indonesia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày 10/6 ở mức cao nhất kể từ ngày 26/2 với 8.892 ca; Mông Cổ có số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục với 1.460 ca; Malaysia thêm 5.671 ca nhiễm mới và 73 ca tử vong; Campuchia với 11 ca tử vong và 426 ca nhiễm mới... trong khi Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục với 6.148 ca.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Singapore đã có tiến triển tích cực với số ca lây nhiễm trong cộng đồng được ngăn chặn và số ca nhiễm mới giảm mạnh. Giới chức Singapore quyết định sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo 2 giai đoạn, bắt đầu từ 14/6. Theo đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ 14/6, cho phép tụ tập từ 2 lên 5 người, mỗi gia đình được tiếp 5 khách/ngày, tăng công suất đón tiếp tại các điểm du lịch, bảo tàng, thư viện từ 25% lên 50% cũng như nâng số người được phép tham dự các hoạt động xã hội khác.

Nếu như tình hình vẫn trong tầm kiểm soát sau khi mở cửa từ 14/6, giai đoạn 2 sẽ được áp dụng từ ngày 21/6, theo đó cho phép nối lại các hoạt động ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng, trung tâm ăn uống, tối đa 5 người/nhóm, duy trì khoảng cách 1m giữa các nhóm; các hoạt động thể thao đòi hỏi phải tháo khẩu trang, các lớp học thêm, gia sư sẽ được nối lại. Tuy nhiên, yêu cầu làm việc tại nhà vẫn được duy trì để giảm rủi ro.

Song song với nới lỏng giãn cách xã hội từng bước, Singapore tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và chiến dịch xét nghiệm phòng ngừa. Ngày 10/6, Singapore chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong ngày trong gần 4 tháng qua.

Trong khi đó, Chính phủ Singapore và chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ xem xét kế hoạch thiết lập "bong bóng du lịch" trong tháng 7 tới, sau khi kế hoạch này bị hoãn lại lần thứ hai trong tháng 5 vừa qua do số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến tại Singapore.

Chính phủ Singapore cho biết tình hình dịch bệnh tại nước này đã ổn định trong những tuần gần đây khi số ca nhiễm trong cộng đồng và những ca nhập cảnh đang có chiều hướng thuyên giảm trong khi tình hình dịch bệnh ở Hong Kong vẫn ổn định.

Dự kiến, hãng Cathay Pacific và Singapore Airlines là những hãng hàng không thực hiện các chuyến bay đầu tiên trong khuôn khổ của chương trình.

Còn New Zealand sẽ tiếp tục tạm dừng hoạt động du lịch miễn cách ly với bang Victoria của Australia thêm 7 ngày nữa. Theo Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của New Zealand Chris Hipkins, hiện có 93 ca được cho là có liên quan tới dịch bệnh bùng phát ở thành phố Melbourne của bang Victoria, lây lan sang 4 ổ dịnh và công tác truy vết tiếp xúc đã xác định hơn 15.000 người có tiếp xúc gần. Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm ở New Zealand vẫn thấp. Do vậy, giới chức y tế công cộng của New Zealand đề nghị nên tiếp tục tạm dừng du lịch miễn cách ly với bang Victoria. Chính phủ New Zealand đang áp dụng lối tiếp cận phòng ngừa khi tiếp tục lệnh tạm dừng này.

New Zealand và Australia đã mở chương trình kích cầu du lịch không cách ly từ ngày 18/4, gần 400 ngày sau khi hai bên đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19. Theo chương trình, hành khách từ Australia đến New Zealand có thể bay qua biển Tasman mà không cần thực hiện cách ly bắt buộc khi nhập cảnh.

Tại Hàn Quốc, người dân bắt đầu tiêm vaccine Janssen của hãng dược Johnson&Johnson và do Mỹ cung cấp, với hy vọng sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Janssen là vaccine thứ tư được nhập khẩu vào Hàn Quốc, sau các vaccine của hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna. Đây là vaccine chỉ tiêm một mũi duy nhất. Các loại còn lại phải tiêm hai mũi. 

Tại châu Âu, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đã quyết định không chọn mua bổ sung 100 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson, và nếu có đặt hàng thì sẽ cân nhắc dùng số vaccine này để viện trợ cho các nước nghèo. Quyết định trên được đưa ra sau khi xuất hiện một số vấn đề về nguồn cung và an toàn của vaccine này. Các cuộc thảo luận trong EU đã cho thấy niềm tin giảm đối với loại vaccine chỉ tiêm một liều duy nhất này, dù ban đầu được ca ngợi là đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tiêm phòng thành công ở châu Âu.

Trong khi đó, người phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hans Kluge, cảnh báo châu Âu chưa qua cơn nguy hiểm dù số ca nhiễm và tử vong mới trong dịch COVID-19 đang giảm trên toàn châu lục, đồng thời kêu gọi người dân di chuyển có trách nhiệm trong kỳ nghỉ Hè.

Theo ông Kluge, biến thể Delta, xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ, rất đáng lo ngại, đồng thời nhắc nhở rằng các nước cần rút ra bài học từ đợt bùng phát số ca trong mùa Hè năm  ngoái ngay cả khi các chiến dịch tiêm phòng hiện đang được đẩy nhanh khắp khu vực. Theo ông, đến nay chỉ có 30% dân số khu vực châu Âu được tiêm liều vaccine đầu tiên, và điều đó là chưa đủ đề ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới.

Trong hai tháng qua, số ca nhiễm, tử vong và nhập viện mới tại châu Âu đều đã giảm, cho phép 36 trong số 53 quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Số ca nhiễm ghi nhận trong tuần trước là 368.000 ca, tương đương 1/5 số ca nhiễm hằng tuần ghi nhận trong thời đỉnh dịch tháng 4/2020.

Còn Nga đã quyết định nối lại các chuyến bay tới các nước Áo, Hungary, Liban, Luxembourg, Mauritius, Maroc, Croatia cũng như các chuyến bay thuê bao đến Albania. Trong thời gian đầu các tuyến bay đến Hungary, Mauritius, Maroc sẽ phục vụ 2 chuyến/tuần trong khi các tuyến bay đến Áo, Liban, Croatia và Albania sẽ phục vụ 1 chuyến/tuần. Trước đó, Nga đã ngừng các chuyến bay thông thường và bay thuê bao từ ngày 27/3/2020 để ngăn chặn sự lây lan của dịch, ngoại trừ các chuyến chở hàng xuất khẩu, thư tín, cứu thương và hỗ trợ nhân đạo...

Tại khu vực Trung Đông, Abu Dhabi, tiểu vương đông dân nhất của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), thông báo từ ngày 15/6 tới, chỉ những người đã được tiêm chủng và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được đến các trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán cà phê và nhiều nơi công cộng khác. Quy định mới được thông báo chiều 9/6 trong bối cảnh  số ca nhiễm mới mỗi ngày ở UAE liên tục tăng  trong 3 tuần qua. Riêng trong ngày 9/6, UAE đã ghi nhận 2.179 ca nhiễm mới, tăng so với mức đỉnh 1.299 ca của ngày 17/5.

Các biện pháp hạn chế cũng áp dụng với các phòng tập, khách sạn và các cơ sở liên quan, công viên công cộng, bể bơi, bãi biển, các trung tâm vui chơi giải trí, rạp chiếu phim và bảo tàng. Người đến các nơi này phải trình chứng nhận tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm âm tính gần nhất thông qua ứng dụng COVID-19 trên điện thoại di động. Người chưa tiêm phòng được khuyến cáo đi xét nghiệm 3 ngày/lần nhằm duy trì màu "xanh" trên ứng dụng này. Người đã tiêm đầy đủ cũng phải đi xét nghiệm 1 tháng/lần.

Nguồn: Minh Châu, L. Sơn (TTXVN)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >