WHO: THẾ GIỚI CÓ THỂ KHÔNG BAO GIỜ TÌM RA ´BỆNH NHÂN COVID-19 SỐ 0´

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
16/01/2021 | 21:42
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
WHO: THẾ GIỚI CÓ THỂ KHÔNG BAO GIỜ TÌM RA ´BỆNH NHÂN COVID-19 SỐ 0´

Việc xác định ca mắc bệnh đầu tiên của đại dịch COVID-19, hay còn gọi là “bệnh nhân số 0” có thể sẽ mãi là một bí ẩn.

“Chúng ta cần rất cẩn trọng về việc sử dụng cụm từ ‘bệnh nhân số 0’ mà nhiều người ám chỉ đó là ca bệnh đầu tiên. Chúng ta có thể không bao giờ tìm ra bệnh nhân số 0 là ai”, kênh truyền hình RT dẫn lời bà Maria Van Kerkhove – trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 15/1, đề cập đến nhiệm vụ điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc – nơi được coi là điểm nóng ban đầu của đại dịch. Ngày 14/1, nhóm điều tra của WHO gồm 10 nhà khoa học thuộc nhiều nước đã tới thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc phần lớn đã thành công trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 với việc áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng đối với Vũ Hán khi bắt đầu đại dịch, nhưng gần đây, quốc gia này tiếp tục chứng kiến sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới.

Sự gia tăng các ca bệnh toàn cầu được cho là xuất phát từ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được đánh giá có khả năng lây lan nhanh hơn. Các biến thể COVID-19 mới “đòi hỏi một nỗ lực mạnh mẽ và nhanh chóng trong việc nghiên cứu, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các nhóm nghiên cứu”, Giáo sư Didier Houssin - người đứng đầu Ủy ban Khẩn cấp của WHO nói tại cuộc họp. “Chúng ta đang ở trong một cuộc chạy đua giữa một bên là virus tiếp tục đột biến để lây lan dễ dàng hơn và một bên là nhân loại tìm cách ngăn chặn sự lây lan”.

Trong khi đó, Tổng thư ký WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus lập luận rằng lý do khiến COVID-19 vẫn còn hoành hành khắp thế giới là do không thể phá vỡ chuỗi lây truyền “ở cấp độ cộng đồng hoặc trong gia đình”.

WHO hy vọng vaccine sẽ góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo ông Houssin, mục tiêu mà cơ quan giám sát sức khỏe của Liên hợp quốc đặt ra cho năm 2021 là tiêm chủng cho khoảng 20% dân số toàn cầu, bao gồm cả ở các nước thu nhập thấp.

Theo Đại học Johns Hopkins, cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã vượt qua con số 94,4 triệu người, trong đó có ít nhất 2 triệu trường hợp tử vong.

Nguồn: Bảo Hà/Báo Tin tức

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...