ASEAN cần khẳng định sứ mệnh là một cực trong thế giới đa cực
Cục diện thế giới đa cực là một xu thế tất yếu, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng phân mảnh, tập hợp lực lượng ngày càng rõ nét. ASEAN đứng trước sứ mệnh phải khẳng định “là một cực trong thế giới đa cực," là trung tâm trong hợp tác cũng như cấu trúc ở khu vực, và ASEAN hoàn toàn có đủ khả năng đảm nhận được sứ mệnh đó.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã phát biểu như trên khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) năm 2023 vừa được tổ chức tại Jakarta, Indonesia.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ASEAN có không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng, trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới (với trên 688 triệu người) và 32% GDP toàn cầu (quy mô trên 3.600 tỷ USD năm 2022).
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến mới cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ để ASEAN kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội từ những xu thế phát triển mới như xây dựng Hiệp định Khung Kinh tế Số ASEAN, Khung Kinh tế Tuần hoàn, Khung Kinh tế Biển xanh, Chiến lược Trung hòa carbon…; đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại và Hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Ngoài ra, ASEAN đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực thông qua quan hệ và hợp tác với các đối tác bên ngoài. Thông qua các cơ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)… các nước ASEAN đã tạo dựng và duy trì cân bằng, linh hoạt quan hệ với các đối tác bên ngoài của ASEAN.
Để nắm bắt cơ hội từ trật tự thế giới hiện đại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ASEAN cần đoàn kết, giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa các nước trong khu vực và đối tác để "vừa tranh thủ được lợi thế của các nước hỗ trợ ASEAN, vừa hóa giải được khó khăn có thể đến bất cứ lúc nào".
Thủ tướng nhận định ASEAN cần duy trì cam kết lâu dài về mở cửa thị trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư; luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới, nhất là các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Theo đề xuất của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ASEAN cần phát triển theo hướng không hy sinh sự công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; kiên định cách tiếp cận toàn dân trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển.
Nguồn: Quốc Khánh - Ảnh minh họa: Cờ Indonesia
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *