Chọn phân khúc có thế mạnh để tiếp cận thị trường Châu Âu

Đăng bởi:
11/03/2016 | 21:33
Chuyên mục: Sự kiện cộng đồng
0 bình luận
Chọn phân khúc có thế mạnh để tiếp cận thị trường Châu Âu

(VOV5) - Ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm thương mại Đồng Xuân tại Berlin, CHLB Đức cho rằng hiện tại người Việt Nam ở Đức đang phát triển thành công ở các ngành nghề như ngành naisl, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ châu Á nhất là từ Việt Nam sang châu Âu, dệt may...

Tình hình chung của nền kinh tế thế giới cũng như khu vực Châu Âu chưa có dấu hiệu phục hồi khả quan. Điều này đã gây không ít trở ngại cho các doanh nghiệp kiều bào châu Âu. Phóng viên VOV5 phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm thương mại Đồng Xuân tại Berlin, CHLB Đức, về việc nắm bắt các cơ hội đầu tư kinh doanh tại nước sở tại của doanh nghiệp kiều bào đồng thời thúc đẩy các thương hiệu mạnh của Việt Nam tiếp cận với thị trường châu Âu.

Phóng viên: Thưa ông, tình hình kinh tế châu Âu đang phục hồi nhưng với tốc độ chậm. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp kiều bào tại CHLB Đức?

Ông Nguyễn Văn Hiền: Tình hình kinh tế châu Âu và thế giới hiện tại đang gặp nhiều khó khăn. Điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của bà con trong cộng đồng. Nhưng trên thực tế, theo đánh giá của tôi, các doanh nghiệp Việt Nam ở đây đang phát triển đúng hướng và đang phát triển ổn định. Họ đang đầu tư rất nhiều sang các nước Đông Âu và tạo công ăn việc làm cho nhiều người Việt tại Đông Âu.

Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài muốn phát triển tốt thì nên chọn những ngành nghề mà doanh nghiệp nước sở tại không thể cạnh tranh được với mình thì sẽ thành công. Hiện tại người Việt Nam ở Đức đang phát triển thành công ở các ngành nghề như ngành nail, xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ châu Á nhất là từ Việt Nam sang châu Âu. Ngành dệt may, giày dép cũng là những ngành có thế mạnh của Việt Nam.

Phóng viên: Việc tiếp cận thị trường nước ngoài là tương đối khó khăn đối với các doanh nghiệp trong nước. Vậy, làm thế nào để các thương hiệu mạnh của Việt Nam xâm nhập thành công sang thị trường châu Âu?

Ông Nguyễn Văn Hiền: Hiện tại, những thương hiệu mạnh của Việt Nam đưa ra nước ngoài rất nhiều nhưng lại đưa bằng tên của người khác. Lĩnh vực giày dép là một ví dụ. Các doanh nghiệp ở Đức, về Việt Nam đặt giày rất nhiều nhưng lại lấy thương hiệu của công ty của Đức. Nếu giày, dép Việt Nam muốn có thương hiệu ở nước ngoài, các công ty cần phải quảng cáo thật nhiều ở một nước nào đó. Ví dụ, ở châu Âu, chỉ chọn một nước thôi. Đến nước đó, họ phải đầu tư nhân lực, đầu tư thời gian, đầu tư tài chính, quảng cáo thương hiệu của mình. Nếu không có điều kiện con người thì cần phải dựa vào các doanh nghiệp cộng đồng. Không có một doanh nghiệp nào đầu tư ở nước ngoài, tự dưng mà thành công được. Nếu không quảng cáo thì sẽ không ai biết đến, mà thậm chí còn bị những thương hiệu khác lợi dụng.

Phóng viên: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã được ký kết chính thức vào cuối năm ngoái. Ông nhận thấy hiệp định này mở ra những cơ hội gì cho các sản phẩm của Việt Nam xâm nhập vào một khu vực kinh tế phát triển, có yêu cầu chất lượng cao của thế giới?

Ông Nguyễn Văn Hiền: Cái này quá tốt. Theo tôi, chính phủ Việt Nam ký được hiệp định thương mại thì đó là một thành công rất lớn bởi châu Âu là một thị trường rộng lớn. Từ châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng với thế giới. Không những hàng hóa xuất khẩu được ra nước ngoài mà cả thế giới biết thêm nhiều về Việt Nam. Và họ sẽ về Việt Nam nhiều hơn để du lịch, tìm hiểu đầu tư. Những hiệp định này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Các doanh nghiệp Việt kiều rất chú ý đến hiệp định này. Do đó, Bộ Công thương hay văn phòng thương mại ở các đại sứ quán nên kết hợp với các hội doanh nghiệp ở các nước tổ chức giới thiệu chi tiết cho doanh nghiệp kiều bào về nội dung cơ bản về Hiệp định để bà con hiểu rõ hơn và có những quyết định đúng đắn trong kinh doanh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Nguồn VOV5 - Lan Phương

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
< ...