Cơ hội chiêm ngưỡng Trăng lạnh hiếm gặp sau Giáng sinh
Không lâu sau Giáng sinh, Trăng tròn sẽ xuất hiện và tỏa sáng rực rỡ trong Ngày Tặng quà (Boxing Day). Hiện tượng đặc biệt này còn được gọi là Trăng lạnh hoặc Trăng đêm dài.
Theo niên giám Old Farmer, hiện tượng Trăng tròn vào Giáng sinh thường xảy ra 19 năm một lần. Lần gần đây nhất Trăng lạnh xuất hiện là vào năm 2015 và sau tháng 12 này, hiện tượng này sẽ lặp lại vào năm 2034. Đây sẽ là Trăng tròn đầu tiên sau ngày Đông chí - ngày 21/12 tại Bắc bán cầu và là ngày đầu tiên của mùa Đông hoặc ngày ngắn nhất của năm. Đây cũng là Trăng tròn lần thứ 13 và cũng là cuối cùng của năm 2023.
Niên giám Old Farmer nêu rõ Mặt Trăng sẽ tỏa sáng lung linh vài ngày trước thời điểm Trăng tròn, do đó bắt đầu từ ngày 24-25/12, mọi người có thể quan sát phía Đông sau khi Mặt Trời lặn khi Mặt Trăng lên vị trí cao nhất trên đường chân trời. Từ ngày 25-27/12, Trăng tròn sẽ mọc gần lúc Mặt Trời lặn và sẽ xuất hiện cao và tròn vào ngày Giáng sinh. Trăng tròn dự kiến sẽ sáng nhất vào vào lúc 19h33 giờ Mỹ ngày 26/12 (tức 7h33 giờ Việt Nam ngày 27/12).
Trăng tháng 12 sẽ trông gần như chạm đỉnh bầu trời. Trong ngày Đông chí, Mặt Trăng sẽ ở trên đường chân trời lâu hơn các thời điểm khác, lý do khiến đây trở thành đêm dài nhất trong năm. Trăng tròn tháng 12 thường gọi là Trăng lạnh, thuật ngữ người Mohawk sử dụng khi nhắc đến thời tiết đóng băng của mùa Đông. Trong khi đó, người Mohican gọi đây là Trăng đêm dài để miêu tả việc Trăng mọc trong những đêm dài nhất của năm. Theo Niên giám Old Farmer, người Mỹ da đỏ sử dụng chu kỳ của Mặt Trăng và các dấu hiệu từ tự nhiên làm lịch để theo dõi các mùa. Trong khi đó, theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), người châu Âu gọi đây là Trăng trước lễ Yule - một lễ hội mùa Đông tại vùng Bắc Âu có liên quan đến Giáng sinh.
Nguồn: Thúc Anh (TTXVN) - Ảnh minh họa TTXVN - Viet-bao.de
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *