Hàng triệu người trẻ châu Á đang tự cô lập bản thân khỏi thế giới bên ngoài

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
27/05/2024 | 05:01
Chuyên mục: Tin thế giới
0 bình luận
Hàng triệu người trẻ châu Á đang tự cô lập bản thân khỏi thế giới bên ngoài

Có tới hàng triệu thanh thiếu niên và người trưởng thành ở châu Á tự giam mình trong phòng và cắt đứt tương tác với các mối quan hệ xung quanh.

Khi 15 tuổi, Charlie bắt đầu thu hẹp cuộc sống của mình trong một chiếc giường tầng trong căn hộ chật chội của gia đình tại Hong Kong (Trung Quốc). Sau 4 năm, cậu vẫn đang học cách tiếp nhận thế giới bên ngoài.

“Tôi cảm thấy chán nản, không biết mình muốn gì”, Charlie chia sẻ. Cậu là một trong số hàng triệu triệu hikimori (thuật ngữ tiếng Nhật chỉ những người tách mình ra khỏi xã hội, đôi khi trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, thường là Thế hệ Z và Millennials) tại châu Á. Xu hướng này lần đầu xuất hiện tại châu Á và bắt đầu lan rộng ra khắp thế giới, bao gồm Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale cho rằng sự phát triển của Internet và sự suy giảm tương tác trực tiếp có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự lan rộng của hikikomori trên toàn cầu. Những người khác cho rằng đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều người muốn sống biệt lập hơn, vì hầu hết mọi người đều ởtrong nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus trong thời điểm đó.

Trên khắp châu Á, các chính phủ và tổ chức hiện đang nỗ lực giúp đỡ hikikomori tái hòa nhập xã hội - một nhiệm vụ ngày càng cấp bách hơn khi nhiều quốc gia đang vật lộn với tình trạng dân số già đi, lực lượng lao động bị thu hẹp, tỷ lệ sinh giảm và giới trẻ không muốn kết hôn.

Charlie bắt đầu cuộc sống hikikomori sau khi cậu tranh cãi với một giáo viên và tình cờ nghe được các bạn cùng lớp chỉ trích mình.

Ban đầu, Charlie cho biết cậu cố gắng đến trường một hoặc hai lần một tuần, nhưng đến năm 2019, cậu đã hoàn toàn nhốt mình trong phòng ngủ và việc đó kéo dài suốt 4 tháng.

Cậu không trả lời tin nhắn của bạn bè hay tâm sự với bất kỳ ai. Cha mẹ cậu thỉnh thoảng bảo cậu ra ngoài, nhưng rồi cũng để cậu một mình. Gia đình Charlie có cha me, bà ngoại và cậu sống trong căn hộ diện tích 30 m2. Charlie nằm giường cùng bà nhưng cả ngày chỉ nằm trong chăn. Thậm chí cậu dùng bữa trên giường và chỉ đứng dậy để đi vệ sinh hoặc mà bát đĩa ra bếp.

Giống như nhiều hikikomori khác, Charlie ngủ cả ngày và thức dậy vào lúc hoàng hôn. Rồi đến tối, khi cả nhà đi ngủ, cậu lại dành hàng giờ lướt điện thoại. Charlie cho biết trường học và hệ thống giáo dục của Hong Kong khiến cậu ngày càng thu mình.

Paul Wong, phó giáo sư tại Đại học Hongkong, ước tính có tới 50.000 hikikomori sống ở Hồng Kông, chủ yếu là học sinh cấp hai và cấp ba. Theo ông Paul, nhiều bậc cha mẹ ở đây quá tập trung vào kết quả học tập đến mức con cái họ không làm “bất cứ điều gì ngoài việc học”. Khi học sinh bắt đầu cảm thấy chán nản, cha mẹ lại to tiếng và phạt các em. Những điều này chỉ đẩy các em ra xa hơn.

Ah Mun - người từng là hikikomori – cho biết trong suốt 3 năm nhốt mình trong phòng ngủ, bố mẹ và anh chị em của anh không biết phải làm gì. Có lúc họ cắt Internet, hy vọng anh ấy có thể ra ngoài, nhưng không được.

“Sau một thời gian, bạn bắt đầu cảm thấy việc đi ra ngoài khá đáng sợ và thời gian càng lâu, bạn càng khó ra ngoài. Cuối cùng, tôi muốn đi ra ngoài, nhưng tôi không dám… tôi không có can đảm”, Ah chia sẻ.

Giải pháp mở ra khi chị gái anh liên hệ với bộ phận dịch vụ xã hội của một nhà thờ chuyên giúp đỡ những thanh niên sống biệt lập. Ban đầu, Ah Mun quá ngại gặp mặt trực tiếp các nhân viên xã hội. Họ phải mất vài tháng để làm quen, đến tận nhà và dần lấy được niềm tin của Ah sau hơn 1 năm điều trị. Hiện tại Ah cũng trở thành nhân viên của nhà thờ đó để giúp đỡ các hikikomori khác.

Tại Nhật Bản, trường hợp của Toyoaki Yamakawa - một người trưởng thành đã lấy vợ - là một câu chuyện khác. Khi cha mẹ anh bị ốm, Yamakawa bắt đầu chuyển từ Tokyo về quê Fukuoka để chăm sóc họ. Là con một, anh cảm thấy gánh nặng và chịu sức ép về tài chính.

“Tôi gặp rất nhiều vấn đề và khó giải quyết. Tôi khoá mình trong phòng ngủ và không có năng lượng làm bất kỳ điều gì. Tôi gần như ngủ cả ngày”, Yamakawa nói.

Vợ của Yamakawa, trước đây là một người nội trợ, đã kiếm được một công việc để hỗ trợ gia đình trong thời gian 5 năm chồng hikikomori. Điều cô cảm thấy khó khăn nhất là thấy bất lực trước chứng trầm cảm của Yamakawa.

“Tôi biết tính cách ban đầu của anh ấy là vui vẻ, nhanh nhẹn và nhiệt tình với công việc nên tôi không biết phải làm thế nào để đối phó với sự thay đổi ở anh ấy. Tôi lo lắng rằng anh ấy có thể thực sự biến mất”, người vợ chia sẻ.

Sau này, nhờ sự trợ giúp của vợ, Yamakawa dần lấy lại cuộc sống. Vợ anh yêu cầu anh chuẩn bị bữa ăn và đổ rác, những hoạt động cho phép anh cảm thấy có “vai trò trong nhà”. Bên cạnh đó, việc chơi game đã cho anh can đảm để thoát khỏi sự cô lập. Những người chơi khác khen ngợi khả năng của anh ấy, nâng cao lòng tự trọng của anh ấy. Yamakawa xem các video trên YouTube truyền cảm hứng cho những sở thích mới. Anh bắt đầu trồng cây trên ban công và thử nghiệm nấu ăn trong nhà bếp.

Anh nói: “Khi tôi bắt đầu quan tâm đến nhiều thứ khác nhau, tôi đi ra ngoài và năng lượng của tôi được phục hồi”.

Giống như Yamakawa, nhiều hikikomori trưởng thành ở Nhật Bản trở nên muốn sống tách biệt sau khi mất việc hoặc gặp khó khăn để chu cấp cho gia đình. Theo Teppei Sekimizu, Phó Giáo sư xã hội học tại Đại học Meiji Gakuin, xu hướng này phản ánh những vấn đề kinh tế rộng lớn hơn như chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và mức lương trì trệ ở Nhật Bản.

Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ cho thấy Nhật Bản có gần 1,5 triệu hikikomori - và không giống như những hikikomori tuổi teen ở Hong Kong, những hikikomori ở Nhật Bản thuộc nhiều độ tuổi hơn. Một số bậc cha mẹ già ở độ tuổi 80 phải hỗ trợ những đứa con hikikomori ở độ tuổi 50.

Tại Hàn Quốc, theo một cuộc khảo sát của Viện Y tế và Xã hội nước này, vào năm 2022, 2,4% người Hàn Quốc từ 19 đến 34 tuổi sống ẩn dật. Con số đó tương đương khoảng 244.000 người trên khắp đất nước.

Năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua một sửa đổi quy định một số thanh niên ẩn dật đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, bao gồm chi phí sinh hoạt lên tới 650.000 won (475 USD) mỗi tháng, giúp họ “tái hòa nhập xã hội”.

Hur Ji-won, Phó Giáo sư tâm lý học tại Đại học Hàn Quốc, giải thích những thế hệ trẻ như Millennials và Gen Z thường nhạy cảm với những lời chỉ trích, phê bình quá mức và sợ thất bại. “Khi những người có những đặc điểm đó thử những điều mới và không đạt được kết quả đáp ứng tiêu chuẩn của họ, họ rất chán nản và lo lắng”, Phó Giáo sư Hur nói.

Yoon Chul-kyung, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu thanh thiếu niên G'L cho biết, mô hình gia đình nhỏ hơn cũng góp phần gây ra vấn đề này. “Trước đây, vì chúng ta có gia đình đông con và nhiều anh chị em nên chúng ta có thể học được nhiều điều và tương tác. Tuy nhiên, khi môi trường sống thay đổi, kinh nghiệm hình thành các mối quan hệ cộng đồng ngày càng ít hơn so với trước đây”.

Nguồn: Viet-bao.de theo Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >