Tại Việt Nam, theo khảo sát của Hội Tim mạch, khoảng 30% dân số nước ta mắc bệnh máu nhiễm mỡ, trong đó 50% bệnh nhân ở lứa tuổi trung niên (nam trên 55 tuổi, nữ trên 45 tuổi). Ngoài ra, những người mắc bệnh máu nhiễm mỡ có thể ở bất kỳ lứa tuổi nào từ trẻ em, thanh thiếu niên, trung niên và người cao tuổi.
Căn bệnh này nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hiện tượng xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa ngày càng dày khiến máu không lưu thông được, gây tắc mạch máu cục bộ. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các căn bệnh nguy hiểm chết người như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Bệnh máu nhiễm mỡ là gì?
Máu nhiễm mỡ hay (mỡ máu cao) là tình trạng dư thừa mỡ trong máu. Lipid là 1 trong 3 chất dinh dưỡng chính của cơ thể bao gồm: Glucid (chất bột đường), protein (chất đạm) và Lipid (mỡ).
Bình thường trong máu luôn có một tỷ lệ mỡ nhất định, được đánh giá thông qua chỉ số xét nghiệm của cholesterol, triglycerid…
Nếu những chỉ số này cao hơn mức cho phép thì có nghĩa bạn mắc mỡ máu cao và lượng cholesterol cao chính là chỉ số đặc trưng của bệnh.
Khi bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu, xét nghiệm máu nếu thấy huyết thanh bị đục, thậm chí đục như sữa thì nguyên nhân chính là do tăng triglycerid trong máu. Mức tăng có thể tới 40-50 lần so với bình thường. Bệnh thường tiến triển thầm lặng trong nhiều năm cho tới khi có biến chứng nặng người bệnh mới phát hiện ra được.
Khi cơ thể có lượng cholesterol trong máu vượt quá mức cho phép, người bệnh có thể có nguy cơ cao mắc xơ vữa động mạch bệnh, làm gia tăng huyết áp, tắc nghẽn các mạch máu đặc biệt mạch máu ở não và mạch vành, làm tăng thêm nguy cơ bị suy tim, đột quỵ về sau.
Đối tượng nào dễ bị mỡ máu cao?
Thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo làm tăng lượng triglyceride trong máu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ.
Bên cạnh đó, máu nhiễm mỡ còn do biến chứng của các bệnh như: Đái tháo đường, hội chứng thận hư, tăng urê máu, suy tuyến giáp, bệnh gan, nghiện rượu, uống thuốc tránh thai…
Những biểu hiện ban đầu của bệnh máu nhiễm mỡ thường khó phát hiện. Ở người trẻ thường thầm kín, hầu như không có triệu chứng.
Chân đau, tê bì
Cholesterol trong máu tăng cao khiến mạch máu bị tắc nghẽn, máu không đưa được đến chân khiến chân bị tê bì, đau nhức, sưng tấy, các khớp ngón chân mệt mỏi.
Đột quỵ
Mỡ máu càng cao đồng nghĩa với chỉ số triglyceride cũng được "kéo" theo, điều này gây cản trở lưu thông máu lên não do các mảng xơ vữa động mạch "chắn ngang" mạch máu.
Não thiếu oxy và máu chính là nguyên nhân gây ra các cơn đột quỵ, phụ nữ sau mãn kinh, người cao tuổi là đối tượng dễ mắc phải đột quỵ nhất do mỡ máu tăng cao.
Chân lạnh
Lượng máu không đủ cũng cấp đến chân sẽ khiến chân và bàn chân bị lạnh. Khi có biểu hiện chân lạnh cần đến gặp bác sĩ ngay để xác định sớm nguyên nhân có phải do mỡ máu cao hay không.
Đau ngực
Máu nhiễm mỡ thường có những cơn đau thắt ngực không thường xuyên, trong thời gian ngắn.
Có những cơn đau thắt ngực không thường xuyên, thời gian ngắn, tự mất không cần điều trị nhưng lại có thể tái diễn bất cứ lúc nào, hoặc có cảm giác khó chịu vùng ngực như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức, kéo dài từ vài phút đến vài chục phút.
Làm sao để phòng ngừa máu nhiễm mỡ?
- Bệnh nhân máu nhiễm mỡ nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả ít đường để tăng chất xơ giúp làm giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.
- Ăn nhiều cá tăng cường axit béo hệ Omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch.
- Tập thể dục luôn luôn tốt cho sức khỏe. Nếu thiếu hoạt động thể chất sẽ làm tăng lipoprotein xấu, giảm cholesterol tốt.
- Hạn chế ăn thịt quá mỡ, các món ăn từ mỡ, nội tạng động vật, các đồ ăn chiên xào… đồng thời tránh dùng rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích vì đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến rối loạn mỡ máu.
Bên cạnh đó, đảm bảo lượng tinh bột vừa phải trong khẩu phần ăn hàng ngày. Với người bình thường, tinh bột chiếm 30% khẩu phần là phù hợp với tháp dinh dưỡng. Do đó, không nên ăn quá nhiều tinh bột vượt ngưỡng cho phép để tránh dẫn đến hiện tượng tích lũy mỡ thừa, từ đó gây ra máu nhiễm mỡ.
Theo QUẢNG AN/Tiền Phong
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *