Kế hoạch bí mật chống lại nước Đức.

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
24/01/2024 | 01:25
Chuyên mục: Tin nước Đức
0 bình luận
Kế hoạch bí mật chống lại nước Đức.

Phần II: Nội dung của cuộc họp kín

Trong 3 - 4 ngày vừa qua, dân chúng ở 50 thành phố tại tất cả các bang từ Đông sang Tây đã xuống đường biểu tình chống lại đảng AfD, chống lại chủ nghĩa cực hữu và bảo vệ dân chủ.

Những cuộc biểu tình lớn đã diễn ra rộng khắp tại nhiều thành phố. Tại Berlin, khoảng 100.000 người đã biểu tình trước tòa nhà Quốc hội. Tại München, số người biểu tình lên tới 250.000. Để tránh tình trạng quá tải và chen lấn, cuộc biểu tình đã được giải tán  sớm hơn kế hoạch ban đầu. Tình tạng tương tự như vậy cũng đã xảy ra tại Hamburg cách đây 2 hôm.

Tại Stuttgart, 20.000 người đã xuống đường với khẩu hiệu “Tất cả cùng nhau chống lại AfD”. Tại Bremen, số người biểu tình lên tới 70.000 người, tại Frankfurt (Main)  40.000, tại Hannover 35.000,  Braunschweig 15.000, Dortmund 30.000, Köln 70.000, Leipzig 30.000, Halle 16.000, Flensburg 10.000, Erfurt 9.000 v..v.. Đó mới chỉ là con số thống kê ở một số thành phố.

Nhiều khẩu hiệu và biểu ngữ đã được trương lên như “Vì một xã hội đoàn kết! Chống lại quốc xã và phân biệt chủng tộc!” “Stop  AfD”, “AfD = Nazipack”, “Hãy giơ thẻ đỏ với Nazis.” “AfD = Abgrund für Deutschland” (AfD = Vực thẳm cho nước Đức) v..v..

Nguyên nhân của làn sóng mạnh mẽ chống lại đảng AfD, chống chủ nghĩa cực hữu, phân biệt chủng tộc xuất phát từ cuộc họp kín của đại diện AfD với các lực lượng cực hữu và tân phát xít nhằm bàn thảo một kế hoạch trục xuất hàng triệu người có nguồn gốc nhập cư.

Xin giới thiệu với bạn đọc phần II.

- Phần II: Nội dung của cuộc họp kín.

Trong khi công bố những kết quả khảo sát của mình về cuộc họp kín, CORRECTIV đã nhấn mạnh: “Buổi sáng ngày 25 tháng 11. Trước 9 giờ sáng, một ngày thứ 7 ảm đạm, tuyết rơi trên những chiếc xe ô tô đậu trên sân. Những sự kiện diễn ra hôm đấy tại khách sạn Landhaus Adlon giống như một vở kịch – nhưng nó lại là thực tế. Nó cho thấy điều gì có thể xảy ra khi những người theo chủ nghĩa cực đoan cánh hữu đưa ra ý tưởng pha trộn cùng với đại diện của AfD và những người giàu ủng hộ cho phe cánh hữu. Mục tiêu quan trọng nhất của họ là trục xuất ra khỏi nước Đức những người khác chủng tộc, bất kể họ có một cuốn hộ chiếu Đức hay không.”

Ngay trong giấy mời gửi tới đích danh những người tham dự, người ta đã thấy được lý do quan trọng của cuộc họp kín này, trong đó có đề cập đến một “mạng lưới riêng biệt” và đề nghị mỗi người tham dự “quyên góp tối thiểu 5.000 Euro.” Họ theo đuổi mục tiêu kêu gọi quyên góp của những người giàu, của những doanh nghiệp bí mật liên kết với nhau tạo thành liên minh cực hữu. “Cần có những người yêu nước, những người tích cực làm một việc gì đó và những cá nhân ủng hộ tài chính cho những hoạt động này.” Ngay tại cuộc họp, những người đứng ra tổ chức đã tuyên bố sẽ lập một “tài khoản trung gian”, nhưng người ta cũng có thể đóng góp bằng tiền mặt.

Trong giấy mời do người đứng ra tổ chức ký tên là nha sĩ Mörig và Limmer, cổ đông của doanh nghiệp BackWerk đã có những gợi ý đầu tiên. Sẽ có một “đề cương chung, theo tinh thần của một kế hoạch tổng thể (Masterplan).” Kế hoạch này sẽ do một người trình bày, và người đó “không phải là ai khác ngoài  Martin Sellner”, một bộ mặt quen thuộc từ nhiều năm nay của tổ chức cực hữu “Identitäre Bewegung”. Những người tham dự cuộc họp hôm đó chỉ mới nghe như vậy đã hiểu rõ được cốt lõi của vấn đề.

Như Mörig đã thông báo, Martin Sellner, tác giả của một số cuốn sách có nội dung thiên cánh hữu và là người đứng đầu của tổ chức tân cánh hữu, là diễn giả đầu tiên của cuộc họp. Mörig đã nhanh chóng đi vào cốt lõi của vấn đề và đưa ra khái niệm “Tái di cư” (Remigration – được hiểu là trục xuất).

Câu hỏi đã đưa họ xích lại gần nhau là vấn đề “tái di cư” và “liệu chúng ta có còn sống sót là một dân tộc của phương Tây đơn thuần hay không”. Phần lớn những bài tham luận và nội dung trao đổi ngày hôm đó tập trung vào chủ đề chính là “tái di cư”.

Trong phần thuyết trình, Sellner đã giải thích đề án của mình là: có 3 nhóm đối tượng di cư cần phải rời khỏi nước Đức:

- Những người xin tị nạn
- Những người nước ngoài đã có quyền lưu trú 
- Những “công dân không đồng hóa”.

Theo quan điểm của ông, nhóm sau cùng sẽ là “thách thức” lớn nhất. Nói cách khác, kế hoạch của Sellner sẽ chia cư dân Đức thành hai nhóm: những người có thể sống hòa bình ở Đức và những người mà quyền con người cơ bản này sẽ không còn được áp dụng.

Tư duy cơ bản của cuộc họp ngày hôm đó là: Những người có màu da khác hoặc có nguồn gốc sắc tộc khác thì cần được đưa ra khỏi nước Đức – và theo quan điểm của Sellner thì họ là những người chưa đạt mức độ “đồng hóa”, cho dù họ có quốc tịch Đức.

Điều này là vi phạm hiến pháp, vi phạm quyền quốc tịch và quyền bình đẳng.

Phần lớn ý kiến ủng hộ quan điểm này của Sellner, song cũng có ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về mức độ khả thi của kế hoạch này. Ví dụ Silke Schröder, một doanh nghiệp bất động sản và ủy viên BCH “Hội  ngôn ngữ Đức” (một hiệp hội gần gũi với CDU) đã phát biểu ý kiến cho rằng một khi người ta đã có một cuốn hộ chiếu “thích hợp” (nghĩa là hộ chiếu Đức) thì đó là “một  việc không thể làm được”. Đối với Sellner, đó không phải là trở ngại. Sellner đã trả lời: Người ta cần phải tạo ra áp lực cho việc hòa nhập của những người này, ví dụ như thông qua những “bộ luật sát sao”. Tái di cư không thẻ làm nhanh được, đó là một dự án hàng thập kỷ.

Những đại diện của AfD có mặt tại đó không hề phản đối việc này mà hoàn toàn ngược lại. Ví dụ bà Gerrit Huy, đại biểu quốc hội đại diện cho AfD nhấn mạnh rằng, bà ta đã theo đuổi mục đích này từ lâu. Ngay từ khi mới gia nhập đảng AfD, bà ta đã mang theo “một đề cương tái di cư”. Vì lý do đó, AfD cũng không phản đối việc hai quốc tịch. “Bời vì người ta có thể tước quốc tịch Đức và họ vẫn còn một quốc tịch nữa.” Theo như bà Gerrit Huy trình bày, người ta dùng hộ chiếu Đức để đưa những người nhập cư vào một cái bẫy.

Ulrich Siegmund, Chủ tịch đảng AfD tại bang Sachsen-Anhalt, cũng có mặt trong cuộc họp. Ông là người có thế lực trong đảng này vì số phiếu của đảng AfD trong bang này rất cao. Ông đã đưa ra một lập luận về “Kế hoạch tổng thể” như sau: Bức tranh đường phố cần phải được thay đổi, phải gây áp lực đối với những nhà hàng của người nước ngoài. Tại bang Sachsen-Anhalt cần phải làm cho “những đối tượng này thấy rằng sống ở đây không còn hấp dẫn nữa.” Và điều đó người ta có thể làm một cách dễ dàng và điều đó có thể được tiến hành ngay trong kỳ bầu cử sắp tới.

Sellner còn đưa ra một ảo tưởng: Người ta có thể thành lập một “quốc gia kiểu mẫu” tại Bắc Phi, đưa 2 triệu người đến sinh sống tại đó. Như vậy ta sẽ có một chỗ để “di chuyển”  họ đến đó, nơi mà họ có thể được đào tạo và chơi thể thao. “Sáng kiến” này của Sellner làm chúng ta nhớ lại một ý tưởng cũ trước đây: Năm 1940, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã có ý đồ trục xuất 4 triệu người Do Thái ra đảo Madagaskar.

(Trên đây là tổng hợp và dịch một số ý kiến được trình bày trong cuộc họp kín ngày 25.11.2023 tại Potsdam dựa theo nguồn của CORRECTIV.) 

Mời bạn đọc theo dõi tiếp Phần III: Chi phí cho “Kế hoạch tổng thể”.

Nguồn: Viet-bao.de theo Nguyễn Đức Thắng tổng hợp
Berlin 22.1.2024

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >