Lên đường du học bạn cần chuẩn bị những gì?
Bạn lo lắng không biết nên mang theo gì, để lại thứ gì? Chúng tôi mong muốn chia sẻ chút kinh nghiệm giúp các bạn.
Những thứ bạn nên mang: Tất cả chỉ mang đại diện một chút thôi, sang đến đây bạn hoàn toàn có thể mua vừa rẻ vừa chất lượng vào các đợt sale. Quần áo
- Áo sơ mi mang khoảng hai cái: một áo sơmi trắng và một áo màu,(quần áo hoặc váy) trong trường hợp phải đến những nơi cần trang phục lịch sự.
- 1 cái chống lạnh nếu qua đúng mùa đông. Hoặc áo khoác nhẹ nếu qua ngay mùa hè xuân.
- Nếu muốn mua áo khoác chống nước + tuyết (1-2 cái) ở Hà Nội có thể mua dưới Tháp Hà Nôi cửa hàng Tolia khoảng 1-1,2 triệu nhưng bên này dạng đó khoảng 100 € hoặc hơn. Mùa đông bên này trong nhà bật sưởi tràn lan nên chỉ mặc áo len mỏng hoặc sơ mi thậm chí là áo phông. Đồ mặc ở nhà sau một thời gian sống thấy đồ ở cửa hàng C&A còn rẻ và chất lệu tốt hơn ở nhà. Bạn cứ tưởng tượng 5€ 1 bộ chất cotton thì có rẻ hơn ở nhà ko?.
- Quần bò (nếu phom người nhỏ thì nên mua ở nhà vì sang đây tìm được quần bò cỡ nhỏ cũng không dễ).
- Áo len
- Quần len/thun mặc bên trong vào mùa đông (sang bên này cũng có thể mua, bán ở Primark rất nhiều khoảng 4-6€, ở cửa hàng 1982 các loại áo mặc bên trong chất lượng cũng tốt và giá rẻ)
- Quần áo lót
- Tất (mang vài đôi dùng lúc mới sang).
- Khăn len.
- Mũ len, găng tay (nên có găng tay da vì bên này có tuyết sẽ ko bị ngấm).
- Các bạn gái nên mang áo dài (lưu ý nên may rộng hơn hoặc nói với thợ may ở nhà để chừa biên hoặc chích ben hơi sâu chút, sau này có béo tự nới ra được).
Đồ dùng cá nhân
- Khăn mặt, khăn tắm nhỏ, sau đó sang đây có thể mua thêm.
- Bàn chải đánh răng, lược chải đầu. Mỗi thứ một cái để dùng lúc mới sang.
- Đối với các bạn nam: dao cạo và bàn cạo râu.( có thể sang bên này mua cũng tiện). Giầy dép, ba lô
- Sang tới đây đi bộ là chủ yếu nên các bạn nên mang giầy bệt, giầy thể thao đi thật thoải mái. Nên sang bên này mua giầy vì chất lượng đảm bảo giá cũng ko phải đắt quá. Ví dụ một đôi giầy thể thao hàng hiệu lúc bán có trên dưới 50-100€ tất nhiên là tùy loại, với lại là sinh viên nên cứ chọn đợt sale mà mua thôi, giá giảm nhưng chất lượng vẫn giữ nguyên J
- Ba lô mua loạt quai đeo mềm dễ chịu, bên này mọi người hay dùng balo rất tiện. Mua loại 25 lít là vừa.
Thuốc men
- Thuốc cảm cúm, nhức đầu, giảm đau.
- Thuốc đau bụng: men tiêu hóa, bergberin
- Dầu gió
- Kháng sinh đề phòng trường hợp sốt cao viêm họng.
- Một số loại thuốc khác mà bạn hay dùng ở nhà nữa.
Đồ dùng học tập
- Bút chì kim + ngòi chì (nên mua ở nhà vì rẻ hơn bên này nhiều)
- Bút bi, thước kẻ, tẩy mang dùng lúc ban đầu khi mới sang.
- Từ điển Đức-Việt: 1 (thường là sang sẽ xin được của các anh chị đi trước, nhưng nếu ko xin đc cũng bí)
Đồ ăn cho tuần đầu tiên (khi chưa quen với việc đi chợ)
- Đồ ăn thì chỉ nên mang theo ruốc, nhưng cần đóng gói hút chân không hoặc giấy bạc có tem mác. Còn ở nhà bạn nào hào hứng ăn xúc xích Đức việt, thì Đức nổi tiếng với hàng chục loại xúc xích nên thoải mái thưởng thức.
- Mì tôm không nên mang theo vì bên này bán đầy, cùng lắm nếu lo không kịp mua và sợ đau bụng lúc đầu chưa quen thì mang theo một vài gói mì.
- Ở các thành phố lớn đều có cửa hàng hoặc là chợ châu Á nên nguyên liệu rất phong phú để chế biến đồ ăn Việt.
- Có thể mang hạt giống một số loại rau thơm nếu thích trồng.
Những thứ cần thiết khác Địa chỉ, điện thoại của mọi người: Khi cần còn liên lạc được
- Tai nghe có luôn mic: Có thể sẽ cần chat voice với mọi người vì gọi điện rất tốn tiền
- Đĩa CD software: Đĩa ca nhạc, từ điển, tin học, chuyên ngành
- Ổ cắm điện nhiều ổ của LIOA. Ổ cắm điện của Đức là loại 2 chân tròn, nên các thiết bị mang theo nếu là loại khác thì mua sẵn cái chuyển đổi.
- Ảnh thẻ cỡ 3,5*4,5 nên chụp nhiều vì bên này chụp thường ko đẹp và đắt.
- Nồi cơm điện nếu sang ở thành phố lớn như Berlin, Leipzig,.. thì ko cần mua, còn nếu các thành phố nhỏ thì nên mua luôn từ nhà.
- Ô đi mưa vì mua ô bên này không bền mấy mà lại đắt.
Một số đồ lưu niệm nhỏ có thể đem sang nếu như còn cân (tặng quà các bạn sinh viên quốc tế khác, bên này rất chuộng đồ hand made) Một ít tiền xu 2€ để ít nhất là lấy được xe đẩy hành lí ở sân bay.
*Lưu ý về mang giấy tờ:- Đối với bạn nào đã có APS thì không cần mang theo giấy tờ bằng cấp bản gốc, còn đối với bạn nào không có APS (nhất là đối với anh chị sang học PhD thì cần mang theo bản gốc).
- Tốt nhất là những giấy tờ quan trọng thì bỏ vào ngăn phía trong của balo đeo theo người. Còn những cái tối quan trọng hơn như tiền, passport thì bỏ vào túi nhỏ hơn theo chéo trước (loại có đóng nắp) hoặc bỏ vào túi phía trong của áo khoác.
- Nhớ bỏ thêm ít tiền vào nữa, phòng trường hợp bị thất lạc hành lý, hay giỏ xách. (Cái này là phòng ngừa bị thất lạc thôi, chứ an ninh bên Đức khá ổn)
Những thứ không nên mang:
- Dầu gội đầu, sữa tắm.
- Sách, vở viết.
Cách chia đồ đạc Sau khi đã hỏi được cụ thể cân nặng hành lý được mang theo thì đóng gói đồ như sau: Chia làm 1 hoặc 2 Vali tuỳ theo cân nặng. Chia đồ cần mang làm 3 loại
- loại 1: Tối cần thiết, không thể không mang
- loại 2: Cần thiết và cũng rất cần
- loại 3: Mang theo thì nặng, không mang thì tiếc
Xếp Vali theo 3 lớp theo thứ tự từ 1-3 từ dưới lên. Để đến lúc ra sân bay, có bị quá cân thì có thể nhanh chóng, dễ dàng mở vali vứt đồ không cần thiết mà không phải bới tung.
- Nên để vài bộ quần áo hàng ngày, khăn mặt, khăn tắm, lược... ở vali xách tay, để trong những ngày đầu nếu chưa đến được chỗ ở cố định thì ko phải dỡ vali lớn ra mà vẫn có cái dùng.
- Để tránh trường hợp thất lạc Vali, in một tờ giấy khổ A4 hoặc tự ghi tên tuổi, địa chỉ mình sẽ đến và dán vào Vali.
- Tiền chia ra để ít nhất 3 nơi, để trong người một ít.
- Dù có mang được nhiều đồ thế nào thì cũng không thể đủ. Thế nên sang đây chắc chắn sẽ phải mua sắm khá nhiều ban đầu, mất khoảng 100 €, thế nên chuẩn bị sẵn tiền mặt (nếu đổi được thì mang tiền lẻ loại 5, 10, 20 €, vì một số loại máy bán vé tàu tự động chỉ nhận tiền mệnh giá nhỏ). Chẳng hạn mua thêm nồi niêu, xong chảo, chăn, gối, mắc áo, xà phòng, …
Cuối cùng là tham gia tìm hiểu về Hội Sinh Viên Việt Nam Tại Đức tại địa chỉ https://www.facebook.com/sividuc để tìm hiểu và tham gia hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị, bạn bè đi trước
Tác giả bài viết: Ban HTSV Nguồn tin: sividuc.org
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *