LỜI MẸ - Đinh Dung Berlin
- Bà, là người cả một đời gánh vác hi sinh, 2 lần làm mẹ.- Lần thứ nhất cho con - Lần thứ hai cho cháu...
Làm các thủ tục nhập viện cho mẹ xong, Dung quay về nhà. Bà Hòa ốm cả tuần nay rồi, song cứ gắng gượng không nói với ai. Sự gắng gượng này, không phải bây giờ, ngày trước còn trẻ bà cũng vậy. Bởi vậy, nhiều người đùa: Bà vừa là mẹ vừa là đứa ở không lương. Đúng là những việc không tên, làm từ sáng đến tối cũng không hết việc. Đêm bà còn mấy lần dậy cho cháu uống sữa.
Bây giờ bà nằm như cái xác không hồn với đứa cháu đang chờ bà cho ăn... Thường ngày vào khoảng 9 hoặc10 giờ, Dung gọi điện về nhà. Vậy mà hôm nay gọi điện, nhắn tin cũng không thấy mẹ nhấc máy. Linh cảm, Dung quay sang nói với chồng, rồi chạy xe về nhà. Vào đến cửa gọi, không thấy mẹ trả lời. Hoảng hồn, Dung chạy vào phòng thấy mẹ nằm bất tỉnh. Con gái khóc khàn cả cổ, nằm vắt trên người bà.
Dung gọi xe cấp cứu, rồi gọi chồng về trông con, để cô đưa mẹ vào viện.
Một đời vì con vì cháu, khổ đau chỉ bà biết, chưa một lần ca thán. Vậy mà có lần bà khóc, khi nghe bà bạn kể về thằng con rể chửi vợ, nó cứ réo tên mẹ. Lần ấy thấy bà Hòa khóc như một lời thú tội với người cùng cảnh...
Mấy hôm nay bị ốm bà Hòa suy nghĩ rất nhiều. Tuổi bà đáng ra phải được an nhàn rồi, vậy mà thèm một ngày được nghỉ cũng khó.
Cái bà sợ nhất, thấy bọn trẻ bây giờ chú trọng về hình thức, về bề nổi, không nghĩ cho người khác và về tương lai đời sau, như thế hệ của bà.
Suy nghĩ là vậy, nhưng nói ra bằng lời quả thật khó khăn đối với bà. Do vậy, bà chỉ giải tỏa nỗi lòng trên trang giấy:
- "Để viết ra những điều này gửi hai con mẹ đã suy nghĩ rất nhiều. Cuộc đời vô thường lắm các con ạ. Hai đêm nay cứ dậy cho cháu uống sữa xong là mẹ thức đến sáng, không tài nào ngủ được. Mẹ nghĩ về các cháu rất nhiều và cả hai con nữa. Trong cuộc đời, sự thăng trầm của vận may trong gia đình không phải do trời, mà do chính chúng ta... Đối với hạnh phúc, vuông tròn của gia đình, cũng như ăn ở, đối xử với nhau không nằm ngoài đạo đức trong cái lẽ vô thường, luật nhân quả!
Nếu trong gia đình không đoàn kết mà bất hòa... đó là khởi đầu cho sự sa sút của một gia đình... Một gia đình hạnh phúc, giàu sang không phải là số lượng của cải. Càng nhiều tiền tài, càng dễ gây ra rắc rối, một gia đình hòa thuận thì dù có nghèo đến đâu cũng có thể làm giàu và ngược lại. Dù có giàu đến mấy mà không hòa thuận thì cũng tan đàn sẽ nghé đấy các con ạ! Chỉ có hoà thuận, đoàn kết, ăn ở có trên dưới, trước sau thì gia đình mới thịnh vượng lâu dài được. Gia đình không có khuôn phép làm ăn bất chính, chắc chắn trước sau gì cũng gặp tai họa.
Người xưa nói: Lấy đạo đức truyền thừa thì được 10 đời. Lấy giàu có truyền lại thì không quá 3 thế hệ. Đây là, một quan điểm kinh điển truyền thống tốt đẹp của một gia đình ở thời đại nào cũng vậy. Giàu bất chính, đạo đức suy đồi, tai họa cách không xa... Phải coi trọng tu dưỡng đạo đức, cách sống. Tri thức không những thay đổi vận mệnh của một cá nhân mà còn thay đổi hướng đi của một gia đình. Gia đình có giàu có đến đâu đi nữa, nếu không có đạo đức, tri thức thì cũng khó gìn giữ được tài sản. Các con phải nhớ, sống cho tử tế...".
Nhìn lá thư mẹ đặt dưới gối, với những dòng đời như đã tắm nước nước mắt của mẹ. Nhìn đứa con đang ngủ nhoẻn cười, Dung thương mẹ trong nỗi đau tận cùng, và kính trọng. Ai cũng được mẹ sinh ra và cô cũng là mẹ của các con...
Dung khóc… và run rẩy đưa bức thư cho chồng.
Nguồn: Dinh Dung.Berlin, viết nhân mùa thỏ đẻ.
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *