LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI CỦA VIỆT NAM ĐANG ĐƯỢC QUỐC HỘI THẢO LUẬN

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
14/11/2022 | 21:03
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI CỦA VIỆT NAM ĐANG ĐƯỢC QUỐC HỘI THẢO LUẬN

Tiếp tục chương trình kỳ họp cuối năm, ngày 14/11, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã dành thời gian thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Việc sử đổi Luật Đất đai nhằm hướng tới việc giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Với tổng cộng 11 nhóm chính sách mới, quan trọng, dự thảo quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai. 

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật đã hoàn thiện các chế định về quyền của Nhà nước, trách nhiệm của từng cơ quan trong quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; hạn mức sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; quyết định chính sách tài chính về đất đai… Dự thảo cũng đề xuất áp dụng mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; đồng thời có chế tài ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước. 

Dự thảo luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18 về quyền của chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm; quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân. Nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững... 

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Với những tồn tại, vướng mắc nêu trên, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết. Từ đó khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Nguồn: CTV Hải Khánh tổng hợp - Ảnh bìa: Miền quê lúa Thái Bình

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >