NHIỆT ĐỘ NƯỚC BIỂN FLORIDA CAO CHƯA TỪNG THẤY, TƯƠNG ĐƯƠNG BỒN NƯỚC NÓNG
Nhiệt độ bề mặt đại dương xung quanh Florida Keys (quần đảo san hô thấp ở phía Đông Nam Mỹ) đã tăng vọt lên 38,43 độ C trong tuần này. Đây có thể là kỷ lục toàn cầu khi nhiệt độ đại dương xung quanh bang Florida đạt đến mức cực đoan chưa từng có.
Theo tờ The Guardian này 26/7, dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy một phao đo nhiệt độ nước nằm trong vùng biển của Vịnh Manatee tại Công viên quốc gia Everglades đã ghi lại nhiệt độ 38,43 độ C nói trên vào cuối giờ chiều 25/7. Các phao lân cận khác ghi nhận nhiệt độ vượt 38 độ C.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ nước bình thường của khu vực này vào thời điểm này trong năm phải nằm trong khoảng từ 23 độ C đến 31 độ C. Mức nhiệt độ trong tuần này tại đây tương đương một bồn tắm nước nóng.
Không có hồ sơ về nhiệt độ bề mặt đại dương, nhưng một nghiên cứu năm 2020 cho thấy nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận là 37,6 độ C ở Vịnh Ba Tư.
Các con số nhiệt độ cao cực đoan nói trên là một lời cảnh báo nữa trong hàng loạt cảnh báo trước đó về vùng nước đang nóng lên của Florida khi nắng nóng kéo dài tiếp tục thiêu đốt các vùng khác của Mỹ. Bờ biển phía Nam Florida đã phải chật vật trong một đợt nắng nóng khắc nghiệt đe dọa sinh vật biển và hệ sinh thái đại dương.
Ông Derek Manzello tại Cơ quan Theo dõi Rạn san hô của NOAA, phát biểu với CNN vào tuần trước: “Chúng tôi không dự báo tình trạng nóng lên này xảy ra vào đầu năm và cực đoan như vậy. Điều này dường như chưa từng có trong dữ liệu của chúng tôi”.
Các đợt nắng nóng đang ngày càng ảnh hưởng đến các đại dương trên thế giới, phá hủy tảo bẹ, cỏ biển và san hô, đồng thời giết chết các sinh vật biển, giống như những đám cháy rừng thiêu rụi những khu rừng rộng lớn. Nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy số ngày nắng nóng trên đại dương đã tăng gấp ba lần trong những năm gần đây.
Các chuyên gia cho biết một vòm nhiệt năm 2021 có thể đã giết chết hơn 1 tỷ động vật biển dọc theo Thái Bình Dương của Canada.
Các chuyên gia cảnh báo tần suất và cường độ thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng - cả trên đất liền và đại dương - là dấu hiệu của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu do con người gây ra và đang thúc đẩy những hiện tượng cực đoan. Các đợt nắng nóng hiện tại dự kiến kéo dài đến tháng 8.
Đầu tháng 7, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc đã báo cáo rằng nhiệt độ nước biển toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục hàng tháng kể từ tháng 5, một phần cũng do hiện tượng El Nino. Theo NOAA, nhiệt độ mặt nước biển trên toàn thế giới đã phá kỷ lục hàng tháng về nhiệt độ trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6.
Nhiệt độ ở Florida cũng là mối đe dọa đối với nguồn cung cấp thực phẩm cho con người và sinh kế của những người có công việc gắn liền với biển.
Một thuyền trưởng tàu đánh cá tên là Dustin Hansel cho biết sản lượng đánh bắt ngày càng giảm trong 5 mùa hè vừa qua. Ông cũng đã nhìn thấy nhiều cá chết hơn ở vùng biển xung quanh Key Largo. Ông Hansel nói: “Vùng nước gần bờ nào thì mọi thứ đều siêu, siêu nóng”.
NOAA đã cảnh báo rằng nước ấm hơn xung quanh Florida có thể làm tăng thêm các cơn bão và bão nhiệt đới, tạo ra nhiều năng lượng hơn trên vùng nước ấm hơn. Cơ quan này cho biết nhiệt độ tăng cũng đang gây áp lực nghiêm trọng cho các rạn san hô.
Ông Ian Enochs, Giám đốc chương trình san hô tại Phòng thí nghiệm Khí tượng và Đại dương Đại Tây Dương thuộc NOAA, cho biết, nhiệt độ cao xung quanh Florida Keys đang khiến các rạn san hô gặp nguy hiểm. Các nhà khoa học đã quan sát thấy hiện tượng tẩy trắng và thậm chí là chết ở một số loài san hô có sức chống chịu mạnh nhất ở Florida Keys.
Ông Enochs nói: “Hiện tượng này nhiều hơn, sớm hơn những gì chúng ta từng thấy. Tôi lo lắng vì điều này xảy ra sớm”.
Theo nhà khí tượng học nhiệt đới Brian McNoldy tại Đại học Miami, vẫn chưa rõ liệu nhiệt độ được ghi nhận ở Florida có được coi là kỷ lục thế giới hay không vì khu vực này nông, có cỏ biển và có thể bị ảnh hưởng bởi vùng đất ấm ở công viên quốc gia Everglades gần đó. Tuy nhiên, ông McNoldy cho rằng điều này thật đáng kinh ngạc.
Nguồn: Thùy Dương/Báo Tin tức
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *