QUỐC GIA NÀO ĐANG HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI? (Đức thứ 16 & Việt Nam thứ 94)
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2017 của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững (SDSN) công bố ngày 20/3, Na Uy soán ngôi vị số Một từ tay Đan Mạch.
Na Uy đã soán ngôi Đan Mạch để trở thành Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong báo cáo công bố nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (IDH) 20/3 năm nay. Báo cáo này cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới xây dựng lòng tin và công bằng xã hội để cải thiện đời sống của người dân.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (WHR) là một sáng kiến toàn cầu của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững được Liên Hợp Quốc triển khai từ năm 2012 tới nay.
Bảng xếp hạng này dựa trên 6 tiêu chí: bình quân Tổng sản phẩm quốc nội (GDP/người), tuổi thọ, tự do, sự hào phóng, hậu thuẫn xã hội và không có tham nhũng trong chính phủ hay doanh nghiệp.
Theo WHR 2017, Na Uy là quốc gia đáp ứng đầy đủ nhất các tiêu chí hạnh phúc của người dân. Trong khi đó, các nước cùng cận sa mạc Sahara ở châu Phi cùng với Syria và Yemen là những nước bất hạnh nhất trong số 155 nước thuộc bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc.
“Những quốc gia hạnh phúc là những nước có một sự cân bằng khỏe mạnh giữa sự thịnh vượng và tư bản xã hội theo cách đo lường thông thường, nghĩa là xã hội có mức lòng tin cao, bất bình đẳng thấp và tin tưởng vào chính phủ” - Jeffrey Sachs, giám đốc SDSN kiêm cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chia sẻ.
Ông cho biết, mục đích của báo cáo này là cung cấp một công cụ nữa giúp các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tìm ra phương thức tốt hơn nhằm củng cố an sinh.
Danh sách 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo WHR theo thứ tự từ cao xuống thấp là Na Uy (7.537 điểm), Đan Mạch (7.522), Iceland (7.504), Thụy Sỹ (7.494), Phần Lan (7.469), Hà Lan (7.377), Canada (7.316), New Zealand (7.314), Australia (7.284), Thụy Điển (7.284).
Việt Nam đứng thứ 94 với số điểm 5.074. Trong Top 20 Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, Mỹ xếp hạng 14, Đức 16, Bỉ 17 và Anh 19.
Giám đốc SDSN Jeffrey Sachs cho biết, thứ hạng hạnh phúc của Mỹ bị tụt một bậc so với báo cáo năm 2016 do sự bất bình đẳng, mất lòng tin và tham nhũng. Theo ông, các biện pháp kinh tế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi có thể làm tình hình trầm trọng hơn.
“Tất cả bọn họ đều nhắm vào việc tăng sự bất bình đẳng – Giảm thuế cho người giàu, loại nhiều người ra khỏi chương trình chăm sóc y tế, cắt bữa ăn cho người người khuyết tật để tăng chi tiêu quốc phòng. Tôi nghĩ mọi thứ họ đề xuất đều đi sai hướng.” – ông Jeffrey Sachs nêu rõ.
Các nước đứng cuối bảng xếp hạng này là Rwanda, Syria. Tanzania, Burundi và cuối cùng là Cộng hòa Trung Phi./.
Nguồn: Diệu Hương/VOV.VN - Theo Reuters - (Ảnh bìa: Cổng thành Berlin của Đoàn Chính)
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *