Số người thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng ở Hawaii lên tới 99 người
Ngày 15/8, giới chức bang Hawaii (Mỹ) cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy rừng nghiêm trọng bùng phát hôm 9/8 tại đảo Maui đã lên tới 99 người. Nhiều khả năng, con số này chưa dừng lại khi nỗ lực tìm kiếm người mất tích vẫn đang được triển khai.
Ngày 14/8, ông Josh Green, Thống đốc bang Hawaii cho biết số người thiệt mạng có thể tăng gấp đôi trong 10 ngày tới trong bối cảnh lực lượng ứng khó khẩn cấp với thảm họa tiếp tục nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong hàng trăm ngôi nhà và các phương tiện bị thiêu rụi. Lực lượng này đã huy động cả chó nghiệp vụ tham gia nỗ lực này.
Theo Hiệp hội phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ, thảm họa cháy rừng ở Hawaii gây thương vong nặng nề nhất ở Mỹ kể từ năm 1918, thời điểm có 453 người thiệt mạng ở bang Minnesota và Wisconsin. Con số thương vong do thảm họa ở Hawaii đã vượt quá con số thương vong 86 người trong thảm họa cháy rừng hồi năm 2018 ở bang California.
Hiện vẫn còn khoảng 1.300 người mất tích. Nỗ lực đưa người dân trở lại thị trấn Lahaina gặp khó khăn trong ngày 14/8 khi hệ thống chỉ dẫn xác định những người được phép đi lại đã tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, sự đình trệ trong công tác khôi phục đường dây liên lạc bằng điện thoại di động đã khiến những người đi sơ tán không thể liên lạc được với người thân của mình.
Nhiều người sống sót ở Lahaina nói rằng họ không nghe thấy bất kỳ tiếng còi cảnh báo nào và chỉ nhận ra mình đang gặp nguy hiểm khi nhìn thấy khói bốc lên hoặc khi nhìn thấy hàng xóm chạy di tản để tránh bị thiêu rụi.
Ước tính, hỏa hoạn đã biến phần lớn thị trấn Lahaina, trung tâm du lịch và kinh tế phía Tây đảo Maui, thành đống đổ nát và trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử bang. Ngọn lửa đã gây hư hại vài nghìn tòa nhà. Thiệt hại về vật chất khoảng gần 6 tỷ USD.
Trong khi đó, ngày 12/8, Hawaiian Electric - Công ty cung cấp điện cho người dân trên đảo - đối mặt với đơn kiện liên quan đến thảm họa này. Trong hồ sơ dài 37 trang, nguyên đơn cho rằng đường dây tải điện của công ty này bị đổ và hư hại đã trở thành mồi lửa gây ra vụ cháy rừng thảm khốc nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ.
Nguyên đơn lập luận rằng thiệt hại đáng nhẽ ra đã có thể không đến mức trầm trọng như hiện này nếu công ty điện lực nói trên ngắt điện đường dây tải điện khi được cảnh báo về nguy cơ xảy ra cháy rừng nghiêm trọng do thời tiết hanh khô và gió mạnh.
Do lo ngại về những nghĩa vụ pháp lý của Hawaiian Electric trong thảm họa cháy rừng này, cổ phiếu của công ty đã giảm mạnh 39% trong phiên giao dịch ngày 14/8. Đây là mức giảm thấp nhất trong vòng 13 năm qua.
Tổng thống J.Biden sẽ thị sát Hawaii 'sớm nhất có thể'
Trong một thông báo, công ty Hawaiian Electric đã không đưa ra bình luận nào về vụ kiện song lưu ý rằng nguyên nhân cháy rừng hiện vẫn chưa được xác định.
Trước đó, các vụ kiện tương tự cũng đã từng xảy ra đối với bang California. Hồi năm 2022, công ty điện lực Pacific Gas & Electric có quy mô lớn nhất của bang California đã đạt được thỏa thuận dàn xếp trị giá 117 triệu USD cho vụ kiện liên quan đến thảm họa cháy rừng hồi năm 2018 và vụ trước đó vào năm 2017, đều xảy ra tại bang này.
Thảm họa cháy rừng tại đảo Maui (bang Hawaii của Mỹ) xảy ra sau hàng loạt điều kiện thời tiết cực đoan ở Bắc Mỹ trong mùa Hè này. Cháy rừng vẫn tiếp diễn ở Canada, gây ra mức phát thải kỷ lục. Còn khu vực Tây Nam nước Mỹ vẫn đang hứng chịu đợt sóng nhiệt khắc nghiệt.
Không chỉ ở châu Mỹ, châu Âu và nhiều nước ở châu Á cũng đã và đang trải qua nền nhiệt cao kỷ lục, với các vụ cháy rừng và lũ lụt gây thiệt hại lớn.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra thảm họa thiên nhiên.
Nguồn: Nguyễn Hà (TTXVN) - Ảnh bìa THX/TTXVN: Những ngôi nhà bị phá hủy do cháy rừng tại Maui, Hawaii, Mỹ, ngày 10/8/2023.
Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *