TIN DỊCH COVID-19 THẾ GIỚI: có trên 168,3 triệu người mắc đã khỏi bệnh

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
03/07/2021 | 20:45
Chuyên mục: Tin nước Đức
0 bình luận
TIN DỊCH COVID-19 THẾ GIỚI: có trên 168,3 triệu người mắc  đã khỏi bệnh

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 3/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 183.967.245 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.982.299 ca tử vong.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 168.378.620 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 621.161 ca tử vong trong tổng số 34.580.198 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 401.068 ca tử vong trong số 30.502.362 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 522.068 ca tử vong trong số 18.687.469 bệnh nhân.
 
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 584 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 310 người và Bosnia-Herzegovina với 295 người/100.000 dân.
 
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,2 triệu ca tử vong trong hơn 37,6 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 54,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có hơn 631.300 ca tử vong trong hơn 35 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 580.300 ca tử vong trong hơn 40,2 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 150.600 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 143.600 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.100 người.
 
Ngày 3/7, Indonesia ghi nhận 27.913 ca mắc mới - mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên thành 2.256.851 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Indonesia cũng tăng lên mức 60.027 ca.
 
Giới chức y tế Indonesia dự tính số ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 2 tuần tới, cho đến khi các biện pháp hạn chế được áp dụng từ ngày 3/7 với hơn 100 triệu dân bắt đầu phát huy tác dụng làm giảm số ca. Indonesia liên tục ghi nhận các con số cao kỷ lục trong 8/12 ngày gần nhất. Các biện pháp hạn chế mới áp dụng tại đảo Java và Bali sẽ có hiệu lực tới hết ngày 20/7 và có thể được gia hạn nếu cần thiết, với mục tiêu giảm số ca mắc xuống dưới 10.000 ca.
 
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 37 ca mắc mới nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 2.213 ca. Thủ đô Viêng Chăn - điểm nóng của dịch bệnh - có ngày thứ 4 liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, trong 37 ca nhiễm mới chỉ có 1 ca cộng đồng tại tỉnh Luang Namtha, các trường hợp còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác. Dự kiến, Lào sẽ nhập đủ số lượng vaccine để tiêm cho 50% dân số cả nước trong năm nay. Bộ Y tế nước này cũng đang vận động các nguồn lực tài chính để có thể đạt được mục tiêu này. Đến ngày 30/6, hơn 920.000 người ở Lào được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, trong khi hơn 556.000 người đã được tiêm mũi thứ 2.
 
Ngày 3/7, Malaysia ghi nhận 6.658 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên là 772.607 ca, trong đó có 5.327 ca tử vong. Trong tuần tới, Malaysia sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa tại 5 bang, gồm: Kelantan, Pahang, Perak, Perlis và Terengganu - vốn là những bang đã đảm bảo đưa chỉ số dịch bệnh về ngưỡng quy định. Thủ tướng Muhyiddin Yassin mới đây cho biết chính phủ sẽ dần mở cửa nền kinh tế và nối lại các hoạt động xã hội theo 4 giai đoạn, dựa trên các chỉ số dịch bệnh gồm số ca mắc, tỷ lệ tiêm phòng và năng lực đáp ứng của hệ thống y tế. 
 
Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 6.230 ca mắc mới và 41 ca tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm bệnh từ đầu mùa dịch tới nay lên 277.151 ca, trong đó có 2.182 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất cả nước, với 1.917 ca ghi nhận trong ngày 3/7. Ước tính, khoảng 70% bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Bangkok bị nhiễm biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, rất dễ lây lan và khó truy vết.
 
Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này có thêm 44.111 mắc và 738 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua. Số ca mắc COVID-19 đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 50.000 ca vào ngày 21/6 vừa qua và vẫn duy trì ở mức 30.000-50.000 ca kể từ đó. Hiện quốc gia Nam Á này đã ghi nhận hơn 30,5 triệu ca mắc, trong đó có 401.050 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo người dân không được phép chủ quan, cần đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.
 
Để đề phòng dịch bệnh lây lan, Saudi Arabia sẽ cấm nhập cảnh từ các nước Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Việt Nam và Afghanistan do lo ngại về COVID-19. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 4/7 và áp dụng với tất cả những người đã từng đến 4 nước nói trên trong vòng 14 ngày gần nhất. Các công dân Saudi Arabia về nước trước ngày 4/7 sẽ được miễn lệnh cấm này.
 
Số ca tử vong hằng ngày tại Nga tiếp tục tăng lên một mức kỷ lục mới, 697 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp quốc gia này ghi nhận kỷ lục số ca tử vong trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến cuộc chiến chống dịch tại Nga trở nên khó khăn hơn.
 
Nga cũng ghi nhận 24.439 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ giữa tháng 1 khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 dần lắng dịu. Thủ đô Moskva, tâm dịch của cả nước, ghi nhận 116 ca tử vong, gần tương đương kỷ lục gần nhất từng được ghi nhận hồi đầu tuần này. Tình hình dịch bệnh tại Nga nóng trở lại từ giữa tháng 6 trong bối cảnh rất nhiều người dân nước này từ chối tiêm vaccine phòng bệnh. Tới nay, Nga mới chỉ tiêm được khoảng 16% trong tổng số 146 triệu dân cả nước dù vaccine nội địa được xác nhận có hiệu quả phòng bệnh cao.
 
Tương tự, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Cuba, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 3.308 ca mắc mới COVID-19 và 20 ca tử vong - đều là mức cao kỷ lục trong vòng một ngày. Hiện số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại Cuba đã lần lượt lên tới 197.253 ca và 1.322 ca. Tỉnh Matanzas tiếp tục là "tâm chấn" của đại dịch khi ghi nhận 916 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tỷ lệ mắc tại tỉnh này là 809,8/100.000 dân. Bộ Y tế Cuba nhận định nguyên nhân khiến tỷ lệ lây nhiễm cao và tỷ lệ mắc bệnh gia tăng trong 15 ngày qua là do sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
 
Nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh, trong tuần này, chính phủ đã thông qua các biện pháp chống dịch mới, bao gồm việc tăng cường giám sát dịch tễ học và triển khai các biện pháp kiểm soát y tế quốc tế nghiêm ngặt hơn. Cùng với đó, Bộ Y tế Cuba tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trên cả nước. Đến nay, Cuba đã tiêm được 6,13 triệu liều vaccine nội địa là Abdala và Soberana-02.
 
Nguồn: Thanh Phương (TTXVN) Ảnh bìa THX/TTXVN: Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nam Tangerang, Indonesia, ngày 29/6/2021. 
 
Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >