VÌ SAO LẬP CHÍNH PHỦ MỚI Ở ĐỨC KHÓ ĐẾN VẬY? - Nguyễn Hữu Tráng

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
21/01/2018 | 07:38
Chuyên mục: Tin nước Đức
0 bình luận
VÌ SAO LẬP CHÍNH PHỦ MỚI Ở ĐỨC KHÓ ĐẾN VẬY? - Nguyễn Hữu Tráng

Gần bốn tháng đã qua kể từ ngày bầu cử nhưng Đức vẫn chưa thành lập được chính phủ mới. Điều này không chỉ khiến cho các đảng phái chính trị xoay như chong chóng với các cuộc đàm phán riêng rẽ triền miên, nhiều khi kéo dài thâu đêm, mà còn khiến người dân Đức cũng mệt mỏi.

Câu hỏi thường trực lúc này ở Berlin là „liệu bao giờ chúng ta có một chính phủ ổn định?“, „liệu chính phủ mới có phải lại là GroKo?“ (GroKo viết tắt từ „große Koalition“ là „Đại liên minh“ giữa hai đảng lớn nhất „Liên minh dân chủ/xã hội thiên chúa giáo“ CDU/CSU và „Đảng dân chủ xã hội Đức“ SPD) hay „liệu cử tri Đức có phải đi bỏ phiếu lại hay không?“. Không ai có thể trả lời câu hỏi này trong thời điểm hiện nay.

Việc có lập được chính phủ hay không còn quyết định khá nhiều đến tương lai chính trị của bà Angela Merkel, Chủ tịch CDU và hiện là Thủ tướng tạm quyền, của ông Martin Schulz, Chủ tịch SPD và của cả ông Horst Seehofer, Chủ tịch CSU, người vừa qua đã phải đồng ý „nhường“ bớt chức Thủ hiến bang Bayern cho người kế nhiệm là Bộ trưởng tài chính.

Bước khởi đầu đầy khó khăn

Kết quả bầu cử ngày 24/9/2017 khá bi đát cho hầu hết các đảng chính trị truyền thống ở Đức, trong đó nặng nề nhất là „Đại liên minh“ cầm quyền. Họ mất phiếu cho xu hướng chính trị cực đoan thiên hữu của Đảng „Giải pháp cho nước Đức“ AfD. Dư luận cho rằng kết quả bầu cử không phản ánh xu hướng thiên hữu trong xã hội Đức, mà phản ánh sự bất mãn của cử tri đối với những chính sách của liên minh cầm quyền. Đảng dân chủ xã hội Đức có nguy cơ „tụt hạng“ hơn nữa như Đảng Xã hội Pháp sau kết quả bầu cử Tổng thống năm ngoái. SPD đã 12 năm liên tục thất bại trước bà Merkel và CDU/CSU. Chính vì thế mà ngay khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Schulz và lãnh đạo SPD đã tuyên bố „kết quả này chứng tỏ cử tri muốn bãi nhiệm „Đại liên minh“ và vị trí của SPD lúc này là ở vị trí đối lập“. Hầu hết các tổ chức đảng cơ sở của SPD ủng hộ quyết định này và sau đó ông Schulz được tái bầu chức Chủ tịch đảng.

Đối với bà Merkel và CDU/CSU thì kết quả 30% cũng bị coi là một thất bại đau đớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, dù đảng của bà vẫn dẫn đầu về số phiếu bầu và được quyền đứng ra lập chính phủ cho nhiệm kỳ 2017-21. Trong thâm tâm bà Merkel vẫn muốn duy trì „Đại liên minh“ vì nó giúp bà có một đa số phiếu ổn định trong Nghị viện. Việc cầm quyền vì vậy cũng dễ chịu hơn. Nhưng do SPD đã tuyên bố chuyển sang đối lập nên cực chẳng đã bà phải tìm liên minh khác. Chỉ tính riêng về số phiếu bầu và do đó số ghế trong Nghị viện, thì phương án liên minh với Đảng dân chủ tự do FDP và Đảng Xanh là thực tế nhất. Phương án này còn gọi là „Gia-mai-ca“ xuất phát từ mầu của các đảng giống cờ của đảo quốc này. Ngay từ khi bắt đầu đàm phán riêng rẽ và đàm phán chung mọi người đều thấy cực kỳ khó khăn do mô hình liên minh này chưa từng có tiền lệ ở Đức và do quan điểm của các đảng khác xa nhau, nhất là giữa Đảng Xanh và CSU. Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, tưởng chừng như kết quả đã trong tầm tay thì chính Chủ tịch FDP Lindner lại là người „rẽ ngang“ bằng tuyên bố bất hủ lúc 5 giờ sáng „thà không cầm quyền còn hơn cầm quyền sai“. Đức rơi vào cuộc khủng hoảng chính phủ chưa từng có trong lịch sử 70 năm lập quốc.

Trước tình hình này thì vai trò của Tổng thống Steinmeier quan trọng hơn bao giờ hết và chỉ có ông mới có thể là người đứng ra dàn xếp. Theo Hiến pháp Đức thì trường hợp các đảng không thống nhất được phương án lập chính phủ, Tổng thống có quyền yêu cầu đảng có số phiếu cao nhất (trường hợp này là CDU/CSU) giới thiệu ứng viên chức Thủ tướng để đưa ra Quốc hội bỏ phiếu bầu và sau tối đa ba vòng bỏ phiếu, nếu ứng viên này trúng cử chức Thủ tướng thì sẽ được ủy quyền lập chính phủ mới. Chính phủ được bầu sẽ là chính phủ thiểu số. Nếu không lập được chính phủ mới, Tổng thống có quyền tuyên bố hủy kết quả bầu cử, giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử mới. Tổng thống Steinmeier không lựa chọn hai giải pháp trên. Thay vào đó ông mời chủ tịch CDU/CSU, SPD, FDP và Đảng Xanh đến Phủ tổng thống để nhắc nhở nghĩa vụ của các đảng chính trị là phải thực hiện ý nguyện của cử tri để đất nước sớm có một chính phủ ổn định. Mặc dù không can thiệp được vào quyết định của các đảng nhưng ý kiến của TTh Steinmeier cũng làm thay đổi được tình thế thông qua việc SPD rút lại ý định ban đầu và quay trở lại đàm phán với CDU/CSU để lập mới (hay tiếp tục) Chính phủ „Đại liên minh“.

Sau cuộc đàm phán sơ bộ vừa qua, các bên về cơ bản đã nhất trí thông qua văn kiện 28 trang, làm cơ sở cho đàm phán chính thức vào tuần tới. Vấn đề là ông Martin Schulz còn phải trình văn kiện này ra Đại hội bất thường của SPD chủ nhật ngày 21/1 để thông qua.

Nhiều câu hỏi còn để ngỏ

Đến nay cũng chưa thể khẳng định các đảng viên dân chủ xã hội có đồng ý hay bác bỏ kết quả sơ bộ vừa qua. Để có thể tiếp tục cầm quyền, bà Merkel và CDU/CSU phải nhân nhượng nhiều vấn đề. Ngược lại SPD cũng phải từ bỏ nhiều nguyên tắc của mình. Hai bên đều nhắc nhiều đến „giới hạn đỏ“ không thể vượt qua của mình.

Cho đến thời điểm này Liên minh dân chủ/xã hội thiên chúa giáo CDU/CSU khá đoàn kết đằng sau Chủ tịch Merkel, hầu như không có tiếng nói phê phán hay đi ngược lại chủ trương đàm phán thành lập chính phủ GroKo. Ngược lại, ông Schulz đứng trước những thách thức nội bộ khó vượt qua. SPD nhiều bang như Berlin, Sachsen-Anhalt đã nói không với GroKo, còn ở bang lớn nhất vốn được coi là lãnh địa truyền thống của SPD Nordrhein-Westfalen thì 50/50. Juso, tổ chức thanh niên của SPD thì ngay từ đầu đã chống lại liên minh với CDU/CSU và dịp này tổ chức các hoạt động mang tên „No-GroKo“. Về cá nhân, ông Schulz „há miệng mắc quai“ vì trước đó đã tuyên bố không bao giờ tham gia chính quyền dưới trướng bà Merkel. Bây giờ ông đi khắp đất nước vận động cho GroKo ngược lại hoàn toàn với quan điểm gần bốn tháng trước, liệu ông có còn giữ được lời hứa trước đó hay không?

Nếu tại đại hội chủ nhật tới không thông qua đàm phán GroKo thì nhiều người  dự đoán là cũng sẽ kết thúc sự nghiệp chính trị của nguyên Chủ tịch Nghị viện Châu Âu. Và không chỉ ông Schulz, ngay sự nghiệp chính trị của bà Merkel cũng phụ thuộc cả vào đấy, vì nếu SPD không tham gia liên minh chính phủ thì chỉ còn một con đường là tổ chức bầu cử lại.

Trong suốt 12 năm cầm quyền của mình có lẽ bà Merkel chưa bao giờ rơi vào tình huống như hiện nay. Bên ngoài bà được coi là người đàn bà quyền lực nhất thế giới. Tại các diễn đàn quốc tế bà là một thủ tướng lâu năm nhất, có kinh nghiệm nhất và có uy tín nhất của thế giới phương Tây. Ba nhiệm kỳ qua của bà, kinh tế Đức phát triển vượt bậc, năm 2017 tăng trưởng 2,2% là mức tăng trưởng cao nhất từ 2011 đến nay. Đức là quán quân xuất khẩu thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu 11 tháng năm 2017 đạt mức 1180 tỷ euro; ngân sách thu vượt 38,4 tỷ euro (1,2% BIP). Thu nhập bình quân của người dân tăng, năm 2006 là 26.765 euro thì năm 2016 đã là 33.396, trong khi thất nghiệp giảm từ 10,8% (2006) xuống còn 6,1%; lương hưu trung bình cũng tăng từ 14.110 euro năm 2005 lên 16.108 euro; đến cuối năm ngoái số tiền tiết kiệm trong dân Đức đạt mức kỷ lục là 6100 tỷ euro (bình quân mỗi người 75.000 euro) so với mức 4500 tỷ trước đó 10 năm. Tuy vậy thì chính sự phát triển ổn định này lại là điểm yếu của chính phủ bà Merkel khi khẩu hiệu tranh cử của bà năm ngoái là „Weiter so“ (cứ làm như thế) cũng thể hiện sự trì trệ, thiếu tính đột phá trong khi nền công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự năng động, sáng tạo. Bà Merkel không muốn một chính phủ thiểu số vì như bà nói, với một nước có trọng trách quốc tế và khu vực lớn như Đức thì một chính phủ thiểu số không bảo đảm sự ổn định và đó là điều các nước thành viên EU không mong muốn. Còn nếu tổ chức bầu cử lại thì liệu CDU/CSU có còn chỉ dựa vào ứng cử viên duy nhất là bà Merkel hay không, cũng còn để ngỏ do uy tín của bà đang giảm đi trông thấy.

Tuy vậy dư luận cũng thừa nhận, hiện nay chưa có ai thay thế được bà Merkel trong đảng và do đó rất có thể bà cũng vẫn sẽ làm Thủ tướng trong chính phủ nhiệm kỳ thứ tư. Nhưng hơn nửa người dân Đức cũng cho rằng nhiều khả năng bà sẽ không giữ chức Thủ tướng đến hết nhiệm kỳ năm 2021./.

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >