Việt Nam tích cực, chủ động trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
28/11/2023 | 17:33
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
Việt Nam tích cực, chủ động trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc

Quyền con người là một trong ba trụ cột chính của LHQ, cùng với hòa bình, an ninh và phát triển. Thế giới với nhiều đa dạng và khác biệt nhưng đã cùng nhau đồng thuận thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới năm 1948 (UDHR) và Tuyên bố về Chương trình Hành động Viên năm 1993 về quyền con người (VDPA). Năm 2023, Việt Nam cùng các thành viên, mở đầu nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023-2025 với vô vàn thách thức trong nỗ lực chung bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trên toàn cầu.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên HĐNQ LHQ, Việt Nam càng phải chủ động, tích cực và bản lĩnh hơn. Nhìn lại chặng đường đến với vai trò thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam mang theo hành trang đến với HĐNQ là lịch sử hào hùng của dân tộc, là những thành tựu đáng tự hào trong đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, là chủ trương luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển, cùng với quyết tâm gánh vác các trọng trách quốc tế trên cơ sở đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Việt Nam đã tích cực cùng các nước tiến hành công tác chuẩn bị cho Khóa họp 52 HĐNQ và đã tiếp tục tích cực tham vấn, tham gia thảo luận, có các bài phát biểu, đồng thời tham dự các hoạt động trong suốt Khóa họp.

Đồng thời, Việt Nam tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với đại diện các nước, tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, dự thảo nghị quyết, đồng bảo trợ một số sáng kiến để HĐNQ thông qua tại cuối Khóa họp vào đầu tháng 4/2023, trên tinh thần thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước bảo đảm hoạt động của HĐNQ phù hợp với Hiến chương LHQ, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động của HĐNQ, nâng cao hiệu quả của HĐNQ nhằm mục đích chung là thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho tất cả mọi người, đồng thời chú trọng vào các chủ đề ưu tiên chính của Việt Nam như bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; bình đẳng giới; quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương; quyền con người trong thời đại chuyển đổi số; quyền sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm; quyền được có việc làm tử tế; quyền tiếp cận giáo dục chất lượng, trong đó có giáo dục về quyền con người.

Với tư cách là thành viên của nhiều cơ chế đa phương, Việt Nam đang thể hiện sự cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, sẵn sàng làm cầu nối để giảm khác biệt, gia tăng hợp tác tại HĐNQ với phương châm “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.

Thế giới có cùng chung khát vọng thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Việt Nam trong vai trò của mình nhiệm kỳ này đang nỗ lực cùng 46 nước thành viên HĐNQ tìm ra mẫu số chung cho những khác biệt, xác định ưu tiên, chia sẻ nguồn lực, cùng hiện thực hóa những mục tiêu đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các cam kết liên quan đến đối phó với biến đổi khí hậu, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển; bảo đảm việc thụ hưởng các quyền thiết thân, cơ bản nhất như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền được tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm, chống phân biệt đối xử, thúc đẩy công bằng xã hội.

Đồng thời khẳng định “vai trò trung tâm trong thúc đẩy đối thoại trên tinh thần xây dựng, bình đẳng và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau”, Việt Nam nỗ lực “là hạt nhân kết nối cộng đồng quốc tế” vì “Một HĐNQ hoạt động hiệu quả, tích cực, khách quan, hòa hợp trong đa dạng, không chính trị hóa, không chia rẽ”.
Với kinh nghiệm và truyền thống nhân đạo, với sức bật của nội lực và vai trò chủ động tích cực, trách nhiệm trước các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để trở thành cầu nối đoàn kết vì sứ mệnh bảo vệ quyền con người cho tất cả mọi người một cách cân bằng, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn: CTV Quốc Khánh - Ảnh bìa minh họa: Học sinh vùng cao

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >