VUN ĐẮP VÀ THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM-CAMPUCHIA

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
04/02/2023 | 12:46
Chuyên mục: Tin quê hương
0 bình luận
VUN ĐẮP VÀ THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT NAM-CAMPUCHIA

Trong những năm qua, dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, song với nỗ lực của hai bên, quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Campuchia được tăng cường, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ hai nước. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện. Hai bên thường xuyên tiến hành các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp thông qua các hình thức linh hoạt, ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19. Các cơ chế hợp tác song phương, nhất là các cơ chế quan trọng như Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia… tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực.

Trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp, các lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam-Campuchia những năm gần đây được đẩy mạnh. Hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng đi vào chiều sâu, là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.

Việt Nam và Campuchia đã đạt được những thành quả quan trọng về vấn đề phân giới, cắm mốc biên giới, trong đó sự kiện nổi bật là lễ khánh thành cột mốc 314. Tháng 10/2019, hai bên ký Hiệp ước bổ sung và Nghị định thư ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc 84% biên giới trên bộ và tổ chức trao nhận bản đồ địa hình biên giới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn giữ vững đà tăng trưởng tích cực, với kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD và năm 2021 đạt 9,54 tỷ USD. Kim ngạch hai chiều 5 tháng đầu năm 2022 đạt 5,44 tỷ USD, tăng 19% so cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Campuchia được xúc tiến bằng nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, các diễn đàn doanh nghiệp, hội trợ triển lãm... Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,846 tỷ USD, duy trì vị trí đứng đầu trong ASEAN và nằm trong nhóm 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Campuchia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 64 triệu USD, đứng thứ 54 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác, như nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục-đào tạo… được hai bên quan tâm và tích cực thúc đẩy. Hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, đoàn thể và các tổ chức nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới, tiếp tục được mở rộng, nhất là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Qua quá trình lịch sử lâu dài, trải qua nhiều thử thách, quan hệ Việt Nam-Campuchia vẫn không ngừng được xây dựng, vun đắp, góp phần quan trọng tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác, hữu nghị tại khu vực. Đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng, ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ với Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tạo điều kiện cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để giữ gìn và phát huy những thành quả của quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai bên quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa sống còn của quan hệ Việt Nam-Campuchia đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc giữ gìn, củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt.

Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trên cả kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu giữa các đoàn thể nhân dân hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí tăng cường kết nối hai nền kinh tế về kết nối cứng về hạ tầng và kết nối mềm về thể chế, chính sách, dịch vụ; sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Với những định hướng và khuôn khổ hợp tác trong thời kỳ mới, cùng quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Campuchia sẽ tiếp tục phát triển, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì cuộc sống ấm no của nhân dân mỗi nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn: CTV Hải Khánh - Ảnh bìa: Thủ tướng hai nước Việt Nam-Campuchia (nguồn ảnh: TTXVN)

 

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >