BỨC TƯỜNG BERLIN – MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA CHIẾN TRANH LẠNH

Đăng bởi: Phạm Quỳnh Nga
09/11/2018 | 23:41
Chuyên mục: Sự kiện cộng đồng
0 bình luận
BỨC TƯỜNG BERLIN – MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA CHIẾN TRANH LẠNH

Hôm nay, 9 tháng 11, nước Đức hồi tưởng sự kiện sụp đổ của bức tường Berlin 28 năm về trước, đúng bằng thời gian nó tồn tại. Đây đã từng là đề tài nóng bỏng của cả thế giới hàng chục năm liền, bởi vì nó không chỉ liên quan đến riêng nước Đức mà nó mở cho lịch sử thế giới một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Kết thúc chiến tranh lạnh giữa hai phe và thời đại Toàn cầu hóa.

Nhân dịp này, xin phép trích một phần chương 20 cuốn sách „Nước Đức – đất nước – con người“ , để những ai đã từng chứng kiến sự kiện lịch sử trên nhớ lại. Đây là cuốn sách nói về lịch sử và cấu trúc xã hội Đức, bằng hai ngôn ngữ Đức - Việt do chúng tôi soạn thảo với mục đích giúp người Việt ở Đức hiểu về quê hương thứ hai của mình, để họ có thể hội nhập tốt hơn.

- Những yếu tố nào dẫn đến sự sụp đổ của bức tường?

Do chính sách cải tổ của Tổng thống Liên Xô Michail Gorbatschow, từ cuối tháng 10 năm 1989 không những quan điểm chính trị của đảng cầm quyền SED mà cả quan điểm của các cơ quan truyền thông CHDC Đức cũng thay đổi một cách cơ bản. Vấn đề vượt biên hàng loạt của công dân CHDC Đức chạy sang miền tây, các lực lượng đối lập mới hình thành và biểu tình vào chiều thứ hai hàng tuần đã gây sức ép cho chính phủ CHDC Đức. Năm 1989 các phóng viên thường trú công khai viết về các cuộc biểu tình, mit-tinh, thông báo về luật đi lại và về khủng hoảng kinh tế ở CHDC Đức. 

Cải tổ ở Liên Xô còn ảnh hưởng rất lớn đến các nước XHCN khác, đặc biệt là Ba – Lan và Hungari. Việc công nhận Công đoàn đoàn kết tự do đầu tiên ở Ba – Lan đầu năm 1989 là bắt đầu sự tan rã của hệ thống XHCN. Đêm rạng sáng ngày 11 tháng 9 năm 1989, chính phủ Hungari đã mở cửa biên giới sang Áo cho công dân CHDC Đức. Những ngày và tuần sau đó, hàng chục nghìn người qua Áo để đến CHLB Đức. Vì sức ép từ phía Liên Xô, CHDC Đức cũng xuống thang trong vụ Đại sứ quán ở Praha, nơi có hàng nghìn công dân CHDC Đức chạy vào và đòi được đến CHLB Đức. Hàng nghìn người tị nạn CHDC Đức được bố trí trong những chuyến tàu khóa kín chạy qua lãnh thổ CHDC Đức để sang CHLB Đức. Bức màn sắt đã bị xuyên thủng.

Mùa thu 1989, cuộc cách mạng đã lan ra toàn đất nước. Không chỉ ở Leipzig và Berlin có biểu tình chống nhà nước vì quyền lợi của họ. Ngay từ 1.9.1989, ngày hòa bình thế giới, người ta xuống đường ở các thành phố nhỏ như Neuruppin (phía bắc Berlin) và Forst (gần Cottbus). Chủ yếu là những người trẻ tuổi, họ đòi mở cửa biên giới.

Cuộc biểu tình ngày thứ hai 9. 10. 1989 được cho là có tính quyết định cho cuộc cách mạng ôn hòa ở CHDC Đức. Con người đã vượt qua nỗi sợ hãi trước những lực lượng đàn áp họ, bởi vì lệnh nổ súng không phải là không có thể xảy ra. Hơn 70 000 người ôn hòa kéo qua vành đai nội thành để đến Trung tâm anh ninh quốc gia. Nhà nước phải đầu hàng trước sức mạnh to lớn của nhân dân.

Tháng 11 năm 1989, tình hình ở CHDC Đức trở nên rối ren. Trước sức ép của phong trào quần chúng biểu tình bất bạo động, SED càng ngày càng phải nhượng bộ. Nền chuyên chính ở tình trạng khủng hoảng không thể cứu vãn nổi.

Cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử CHDC Đức xảy ra vào ngày 4.11.1989 ở Alexander -Platz Berlin. Đó là cuộc biểu tình ôn hòa có khoảng nửa triệu người tham dự. Trong giới chóp bu của đảng SED và bộ phận an ninh có sự giằng co, liệu có nên ngăn cản cuộc biểu tình hay không. Sau đó lãnh đạo SED quyết định cho phép biểu tình. Mục tiêu chính của những người biểu tình là đòi tự do đi lại.

Ngày 6.11.1989 đảng SED phác thảo một dự luật cho việc đi lại, nhưng bị số đông không chấp nhận. Trước sức ép do vượt biên hàng loạt, biểu tình và tác động của những „người cải cách cấp tiến trong hàng ngũ đảng SED“ chính phủ CHDC Đức của thủ tướng Willi Stoph đã từ chức ngày 7. 11. Ngày hôm sau, 8 tháng 11, toàn bộ Bộ chính trị của BCH trung ương cũng từ chức.

Trong tình hình ấy, Hội nghị trung ương của BCH đảng SED họp hai ngày, mồng 8 và mồng 9 tháng 11 năm 1989. Đồng thời một luật đi lại mới đơn giản hơn, đầy đủ hơn được soạn thảo và đọc trước BCH trung ương. Hầu như không một ai trong số những người có mặt hôm đó nhận ra được tính nóng bỏng trong phác thảo này.

- Điều gì đã xảy ra ngày 9.11.1989? Sự kiện trong ngày

9 giờ: Ở Bộ nội vụ CHDC Đức, bốn sĩ quan họp để soạn thảo một bộ luật mới cho vấn đề đi lại. Đó là chỉ thị của Bộ chính trị. Bản thảo sơ lược trước đó hai ngày được Liên Xô gật đầu chỉ quy định ra khỏi CHDC Đức (qua một cửa khẩu riêng ở phía nam) mà không qua nước thứ ba như Tiệp Khắc – nhưng không được trở lại CHDC Đức. Trong một nghị quyết của hội đồng bộ trưởng, các sĩ quan quyết định quyền được rời khỏi CHDC Đức. Tất cả những điều cản trở liên quan đến việc xét đơn để một lần ra khỏi CHDC Đức, bị xóa bỏ. Trước sau như một, muốn đi phải làm đơn. Theo sáng kiến của đại tá Gerhard Lauter, trong văn bản người ta đưa vào một đoạn có hậu quả nghiêm trọng cho chế độ hiện hữu: „Đi ra nước ngoài với tư cách cá nhân có thể đặt đơn không cần đưa ra những điều kiện lý do (Nhân dịp gì, quan hệ bà con thân thích thế nào). Giấy phép sẽ được cấp sau một thời gian ngắn.“ Điều rõ ràng là: Tự do đi lại cho tất cả mọi người, đi trong trật tự, dài hạn và có làm đơn, có xét. 
Quy định này có giá trị đến khi luật đi lại được phê chuẩn. Ngày thứ sáu, 10 tháng 11, lúc 4 giờ sẽ cho đăng công khai. Ngay trong ngày hôm đó, tất cả công dân CHDC Đức có thể đặt đơn xin thị thực ở những nơi có thẩm quyền. Văn bản này được chuyển thẳng cho BCH trung ương SED.

10 giờ: Ngày họp thứ hai của BCH trung ương đảng SED bắt đầu. Ở cấp tỉnh, bí thư thứ nhất thành phố Halle, Hans – Joachim Böhme, thành phố Cottbus Werner Walde và thành phố Neubrandenburg Johannes Chemnitzer bị hạ bệ. Đặc phái viên lâu năm về phụ nữ của Bộ chính trị đảng SED, Inge Lange, cũng từ chức.

12 giờ: Trong giờ giải lao của BCH trung ương, các ủy viên Bộ Chính Trị thông qua bản dự thảo luật đi lại do các sĩ quan soạn, sau đó gửi lên Hội đồng bộ trưởng.

15 giờ: Rà soát lại các điều khoản thực hiện cho luật đi lại trong Bộ nội vụ và bộ phận an ninh quốc gia.

16 giờ: Tổng bí thư Egon Krenz đọc dự thảo luật đi lại trong BCH trung ương đảng SED. Trong tay ông đã có quyết định của Hội đồng bộ trưởng và cả phần thông cáo báo chí.

17 giờ 30: Ông Krenz trực tiếp trao quyết định của Hội đồng nhà nước và thông cáo báo chí đính kèm cho ông Günter Schabowski. Trong những ngày này, ông ấy là phát ngôn viên của BCH trung ương đảng SED.

18 giờ: bắt đầu truyền hình trực tiếp cuộc họp báo với Günter Schabowski (Bí thư thứ nhất thành ủy SED ở Berlin), trong đó ông thông báo kết quả cuộc họp của Bộ chính trị lúc ban chiều.

18 giờ 57: cuối cuộc họp báo, một nhà báo Italia tên là Riccardo Ehrman hỏi, liệu bản dự thảo luật đi lại này có phải là một sai lầm không. Schabowski thông báo ngay cho các nhà báo đang không tin vào sự kiện này rằng, kể từ bây giờ, ai đi sang miền tây cũng được. Rất nhiều người dân CHDC Đức theo dõi bản tin này qua truyền hình. Quy định trước đó chỉ dành cho những người sang CHLB Đức (không có quyền quay trở lại). Mục đích là để chặn đứng dòng người muốn đi qua đường Tiệp Khắc.

„Và vì thế hôm nay chúng tôi đã quyết định, mỗi công dân CHDC Đức đều có thể sang miền tây qua các cửa khẩu của CHDC Đức. …Tức là cá nhân muốn đi nước ngoài chỉ cần làm đơn xin, không cần phải khai báo lý do và quan hệ bà con thế nào. Giấy phép sẽ được cấp trong một thời gian rất ngắn. Theo tôi biết, điều này có hiệu lực ngay bây giờ.

19 giờ 04: Trước khi các hãng thông tấn phương tây phát tin khẩn, ADN đã công bố chi tiết quyền tự do đi lại có hiệu lực „ngay lập tức“ được Schabowski công bố. Tít lớn được chọn một cách thận trọng và trung lập: „Phát ngôn chính phủ CHDC Đức nói về luật mới cho quyền đi lại“. Thông báo khoảng 20 dòng gói bốn điểm chính, đáng lẽ 4 giờ sáng ngày thứ sáu mới lên sóng.

19 giờ 05: Những câu văn này đã viết lên lịch sử. Hãng AP thông báo tin khẩn: „CHDC Đức mở cửa biên giới“. Lúc 19 giờ 41 hãng DPA thông báo: „Biên giới CHDC Đức …đã mở toang“. Thông tin của các hãng thông tấn phát tin nóng này vào giờ thời sự trong TV và đài. Chương trình „Tagesschau/ Tin tức trong ngày“ viết „CHDC Đức mở cửa biên giới“.

Ngay từ lúc 20 giờ 30: những người dân CHDC Đức đầu tiên đã tập trung ở cửa khẩu phố Bornholmer để xem điều gì xảy ra. Đối với những người chưa có thị thực hợp lệ, cửa khẩu vẫn đóng. Nhưng càng ngày càng có nhiều người kéo đến cửa khẩu.

Khoảng 21 giờ: đám đông đòi mở cửa biên giới. Tình hình rất căng thẳng. Bộ đội biên phòng ở đây chưa nhận được lệnh mở cửa biên giới và đám đông đứng trước cửa khẩu hô lớn: „Mở cổng ra, mở cổng ra!“, gây nên cảnh náo động rối loạn.

Khoảng 21 giờ 10: họp quốc hội ở Bonn kết thúc và các đại biểu hát quốc ca nhân dịp có những quy định mới.

22 giờ 28: Trong chương trình truyền hình muộn „Aktuelle Kamera“ của đài truyền hình CHDC Đức có một tin nhằm phanh bớt sự tiến triển của tình hình. „Vì nhiều người hỏi nên chúng tôi thông báo cho quý vị biết quyết định về đi lại của Hội đồng nhà nước. Việc đi lại phải làm đơn và chờ cấp phép“, phát ngôn viên nhấn mạnh. Sở ngoại vụ và phòng đăng ký hộ khẩu vẫn mở „như thường lệ ngày mai“ và ra đi chỉ hợp lệ „sau khi làm đơn và được cấp phép“.

Khoảng 23 giờ: hàng ngàn người chen lấn tiến về phía cửa khẩu phố Bornholmer Straße. Tình hình ở chỗ chắn ba-ri-e ngày càng nghiêm trọng. Không ai biết chắc chắn rằng, đó là tin đồn, một lời hứa hay một việc đã được quyết định. Lính biên phòng không biết làm thế nào. Khoảng nửa tiếng sau, một số đơn vị đã quyết định mở cửa. Bức tường sụp đổ. Ở các cửa khẩu khác giữa biên giới hai nước Đức cũng có hàng ngàn người Đông Đức tràn sang CHLB Đức và được miền tây chào đón nồng nhiệt.

0 giờ: Tất cả các cửa khẩu ở Berlin đều mở.

0 giờ 20: 30 000 lính của quân đội nhân dân CHDC Đức báo động trực chiến ở mức khẩn cấp. Trong đêm hôm đó không có thêm lệnh nào nên các đơn vị biên phòng tự chịu trách nhiệm cho đơn vị mình.

Từ 1 đến 2 giờ: hàng nghìn người từ Đông và Tây Berlin vượt qua cổng thành Brandenburger Tor. Họ đi qua quảng trường Paris và qua cổng thành. Người ta ăn mừng nhảy múa trên bức tường, bức tường bê tông bị vài ngàn người chiếm. Khắp nơi trên quảng trường người ta nghe thấy tiếng động như những con chim gõ kiến. Họ dùng đục và búa phá phía tây bức tường. Người ta đi từng đoàn qua cửa khẩu để đến Kurfürstendamm và vui mừng nhảy múa đến sáng.

2 giờ: Tin của đài Radio DDR I có liên quan đến bộ nội vụ cho biết là có thể qua biên giới cho đến 8 giờ sáng hôm sau, nếu trình chứng minh thư. Đó là một „quy định tạm thời“. Lãnh đạo chóp bu của giới quân sự và chính trị không thấy xuất hiện trong đêm hôm đó.

- Sau khi tường đổ, tình hình ra sao? 

Trong ngày 10.11.1989 vẫn có hàng nghìn người qua lại các cửa khẩu. Xe Trabi làm tắc nghẽn đường. Berlin liên hoan cả ngày lẫn đêm. Hình ảnh những người nhảy múa trên bức tường Berlin được truyền đi khắp thế giới. Ngay trong đêm 10.11 thị trưởng Berlin Walter Momper đã chỉ thị các nhà băng, các quỹ tiết kiệm tặng tiền chào mừng mỗi người 100 DM cho công dân CHDC Đức. Người ta xếp hàng dài trước nhà băng và các công sở để nhận tiền chào mừng.

Buổi chiều, ngoại trưởng Liên Xô Eduard Schewardnadse tuyên bố với báo chí là nước ông cho rằng „Sự kiện xảy ra ở CHDC Đức là việc nội bộ của giới lãnh đạo mới cũng như nhân dân nước họ và chúc họ thành công.“ Buổi tối, Walter Momper, Hans-Dietrich Genscher, Willy Brandt và Helmut Kohl diễn thuyết trước 40 000 người trước tòa thị chính Schöneberg. Ông Momper nói, người Đức „bây giờ là một dân tộc hạnh phúc nhất thế giới“, ông Brandt chào đồng bào „bên này và bên kia“ và nhìn thấy tương lai một „Châu Âu cùng phát triển“ và ông Kohl nói: „Tổ quốc Đức tự do muôn năm, Châu Âu thống nhất và tự do muôn năm“.

Một năm sau, ngày 3.10.1990, sau 45 năm chia cắt, nước Đức tái thống nhất. Tiếng hô đòi thống nhất nước Đức của công dân CHDC Đức ngày càng lớn. Chế độ SED không thể làm gì khác và phải quy phục trước sức ép. Bằng sự giúp đỡ quốc tế và chính sách của CHLB Đức, toàn nước Đức lại cùng phát triển lớn mạnh.

Nhà tôi chỉ cách bức tường (phầncòn giữ lại phục vụ khách du lịch) vài trăm mét. Thỉnh thoảng tôi đi bộ dọc bức tường để ngắm những bức vẽ đủ mọi trường phái. Thật là thú vị vì lúc đó rất muốn gặp bạn để nói những gì muốn nói.

Nguồn: Nguyễn Thế Tuyền - Berlin 9.11.2017

Gửi lời bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gửi bình luận
Tin liên quan
<1234567 ... >